Hiển thị các bài đăng có nhãn Bệnh khớp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bệnh khớp. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Viêm phế quản mạn tính là bệnh lý thuộc đường hô hấp dưới. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi. Đôi khi viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng kết hợp với nhau hình thành bệnh phế quản - phổi tắc nghẽn không đặc hiệu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế đứng hàng thứ 4 trên thế giới với khoảng 50 triệu người mắc và 3 triệu người chết hàng năm. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở những người trên 40 tuổi là 5,2% (miền Bắc) và có khoảng 4 triệu người trong nước mắc bệnh này.
Vì sao bị viêm phổi mạn tính?

Viêm phế quản mạn tính là hiện tượng viêm toàn bộ phế quản gây ho và khạc đờm kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và kéo dài trong 2 năm liên tiếp mà không phải do một bệnh hô hấp nào khác gây nên như áp-xe phổi, lao phổi, giãn phế quản...

Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi, trong đó do sự giảm chức năng đề kháng của cơ thể, sức khoẻ nói chung bị sa sút bởi tuổi tác cao và sự xâm nhiễm của vi sinh vật gây bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng. Một số nguyên nhân thuận lợi như nghiện  thuốc lá, thuốc lào; sống trong môi trường có nhiều bụi, dùng bếp than lâu ngày như đun than tổ ong, than củi, rơm rạ; cơ địa hay bị dị ứng đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản nhiễm khuẩn mạn tính, kéo dài ngay từ lúc còn nhỏ tuổi hoặc có một số dị dạng về khung xương sườn, cột sống như gù vẹo cột sống...


Hệ lụy của viêm phế quản mạn tính

Trong bệnh viêm phế quản mạn tính thường có 3 hiện tượng: ho, khạc đờm nhày hoặc mủ và khó thở. Giai đoạn đầu của bệnh viêm phế quản mạn tính là người bệnh ho và khạc ra đờm vào buổi sáng. Ho thường xảy ra từng đợt, nhất là khi thời tiết thay đổi (nóng, lạnh đột ngột, chuyển mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại), mỗi đợt kéo dài từ 1 tuần đến vài tuần, mỗi năm có khi xảy ra ho 5 - 6 lần. Tính chất của đờm thường có màu trắng, lỏng hoặc đặc quánh, đôi khi có bọt. Bệnh càng kéo dài gây ho càng nhiều, đờm càng ngày càng đặc hơn và đổi màu (thường là màu vàng), khối lượng đờm do ho, khạc ra trong 1 ngày có khi lên tới 10ml hoặc hơn thế nữa. Những tháng sau, năm sau ho càng ngày càng tăng lên và số lượng đờm cũng tăng dần lên, bệnh cũng càng nặng hơn: mỗi đợt ho sẽ kéo dài hơn vài tuần và số lần ho cũng tăng lên một cách đáng kể. Ở giai đoạn muộn hơn của viêm phế quản mạn tính thường có khó thở. Lúc đầu người bệnh chỉ cảm thấy nặng ngực, dần dần khó thở thực sự. Bệnh càng lâu và càng nặng thì sự thiếu hụt không khí càng nhiều, gây rối loạn chức năng hô hấp một cách đáng kể, do đó người bệnh luôn thiếu dưỡng khí gây nên mệt mỏi, sụt cân, ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể, nhất là hệ tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương (tim đập nhanh, mệt mỏi, buồn ngủ...). Viêm phế quản mạn tính thường có 2 loại: loại lành tính và loại ác tính. Viêm phế quản mạn tính lành tính là loại chỉ xảy ra ở phần thân của các phế quản lớn (khí quản, phế quản gốc, thuỳ và phân thuỳ). Nếu hiện tượng viêm nhẹ thì ít khi gây suy hô hấp, loại viêm phế quản mạn tính lành tính chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 90%). Viêm phế quản mạn tính thể ác tính chiếm tỷ lệ thấp hơn rất nhiều (khoảng 10%), thường xảy ra ở các tiểu phế quản và gây hội chứng tắc nghẽn thở ra (syndrome obstructif expiratoire) dẫn đến suy thở và rất dễ dẫn đến tâm phế mạn ở người cao tuổi.

Khám thực thể, khi nghe phổi sẽ thấy có ran rít và ran ẩm nhỏ hạt ở 2 phế trường. Trong những đợt tiến triển cấp tính thì khi nghe phổi có thể thấy nhiều ran hơn khắp 2 phế trường. Khi bệnh có xu hướng tiến triển xấu đi (hình thành bệnh khí phế thũng) thì khám thấy rì rào phế nang giảm rõ rệt. Các loại cận lâm sàng như xét nghiệm công thức máu sẽ thấy đa hồng cầu (một thời gian vài năm sau khi bị viêm phế quản mạn tính); lưu lượng hô hấp khi gắng sức sẽ giảm; dung tích sống, thể tích thở ra tối đa giảm; PaO2 và PaCO2 giảm (khi đo khí trong máu). Xquang có thể thấy mạng lưới phế - huyết quản tăng đậm.

Để không bị mắc viêm phế quản mạn tính

Một số thói quen như nghiện thuốc lá hoặc thuốc lào nên bỏ càng sớm càng tốt. Nếu chưa có điều kiện dùng bếp ga, bếp điện thì cần cải thiện việc dùng bếp than, củi, rơm rạ bằng cách dùng loại bếp ít khói. Nhà ở cần thông thoáng để tránh hiện tượng khói bếp ứ đọng nhiều giờ, không khí không được lưu thông. Cùng với cộng đồng, tích cực tham gia hoặc vận động mọi người trong gia đình, làng xóm, dân phố vệ sinh môi trường sống càng sạch, càng ít bụi càng tốt. Nếu bị viêm đường hô hấp (hô hấp trên và hô hấp dưới) cần được khám và điều trị dứt điểm, không để bệnh trở thành mạn tính. Cần tập thể dục thường xuyên để điều hoà nhịp thở như hít thở, đi bộ, chơi thể thao. Tập thể dục và chơi thể thao phải tuỳ theo sức của mình, không nên gắng sức tập quá khả năng hoặc quá sức lực của mình và phải tập theo bài bản.
Theo báo cáo kết quả tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) ở Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ 9% dân số và sẽ tăng nhanh tới khoảng16,8% vào năm 2029. Tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam hiện nay là 66 tuổi. Vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam, nhiều chứng bệnh không lây như tim mạch, đái tháo đường... đang trở thành thách thức lớn đối với nền kinh tế - xã hội. Làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ có hại cho sức khỏe, không ngừng nâng cao chất lượng sống NCT?

Những thách thức về sức khoẻ người cao tuổi

Người cao tuổi và bệnh tật có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Khi tuổi cao, sức chống đỡ và sự chịu đựng của con người trước các yếu tố và tác nhân bên ngoài cũng như bên trong kém đi rất nhiều. Đó chính là điều kiện thuận lợi để bệnh tật phát sinh và phát triển. Ở NCT, bệnh thường phát triển âm thầm khó phát hiện và thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, gây suy sụp sức khỏe rất nhanh chóng. Cùng với sự phát triển về kinh tế và mức sống tăng cao, lối sống hiện đại, ngoài những bệnh thường gặp nhất ở người cao tuổi thì ngày nay những căn bệnh như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch... đang có xu hướng phát triển mạnh.

Một chuyên gia Lão khoa người Ba Lan đã nhận định, trong số những người trên 65 tuổi, thì có gần 33% bị suy giảm chức năng, mất khả năng lao động và ở độ tuổi 80 trở lên thì tỷ lệ này là 64%. Ông này cũng kết luận rằng, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo tuổi và trong độ tuổi 60 trở lên thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 1,7 - 2 lần so với độ tuổi dưới 40.

Về sức khoẻ thể chất có nhiều thay đổi ở NCT

- Theo thời gian, tế bào thần kinh bị hủy diệt dần mà không được thay thế, lượng máu nuôi dưỡng cho não giảm, sự suy nghĩ bắt đầu chậm chạp, rối loạn, nhầm lẫn.
- Th ủy tinh thể của mắt trở nên cứng đục, võng mạc kém nhạy cảm với ánh sáng, thị giác giảm khi nhìn sự vật ở gần hay trong bóng tối.
- Tai nghe nghễnh ngãng, khó bắt được các âm thanh có tần số cao và tiếng nói bình thường.
- Ăn uống mất ngon, thức ăn như đắng chát vì tế bào vị giác trên lưỡi ngày một ít đi, miệng khô vì hiệu năng sản xuất của tuyến nước bọt giảm tới mức đáng ngại.
- Khứu giác kém, mũi không phân biệt và tiếp nhận được mùi của hóa chất, thực phẩm.
- Nhịp tim chậm, lưu lượng máu qua tim giảm, cơ tim xơ cứng, dễ bị suy tim, gây ngất xỉu, khiến ta không cáng đáng được những công việc thường làm khi còn trẻ.
- Hơi thở ngắn, nhanh, lượng dưỡng khí trong máu giảm dẫn đến khó thở, dễ thấm mệt khi làm việc chân tay. - Gan teo, lượng máu lưu thông qua gan giảm, chức năng thanh lọc độc chất kém hữu hiệu.
- Th ận cũng nhỏ lại. Máu đi qua thận giảm, nước tiểu loãng, khả năng bài tiết kém, bàng quang co bóp yếu, gây chứng khó tiểu và tiểu tiện không tự chủ, tuyến tiền liệt xơ hoá, gây bí tiểu, đôi khi phải thông cho dễ chịu. - Lớp mỡ dưới da teo, tuyến mồ hôi và tuyến nhờn kém hoạt động, gây da khô, nhăn nheo, dễ bị tổn thương, ít chịu đựng được nhiệt độ lạnh giá.
- Hệ thống miễn dịch yếu, sự sản xuất kháng thể bị trì trệ, cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn, bệnh tật sẽ trầm trọng hơn. - Đời sống tình dục cũng có nhiều thay đổi, suy giảm tuy nhiên khả năng này vẫn có thể tồn tại tới tuổi 80, 90.

Sự sa sút trí tuệ

Khả năng thích nghi với hoàn cảnh mới và giải quyết cấp bách các vấn đề, đều giảm đi với tuổi già. Cũng trong phạm vi tâm thần, nhiều người già có một số phản ứng tâm lý tiêu cực. Họ thường trầm mặc bi quan, hạ giá khả năng bản thân, ngại giao lưu, giảm quan hệ qua lại, hay than thân trách phận hoặc oán trách người khác. Với tuổi này, sức khoẻ con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của mỗi cá nhân như chủng tộc, đặc tính di truyền, giới tính, hoặc nhiều yếu tố chủ quan có khả năng ảnh hưởng tới trí tuệ. Nhận xét chung là ở người cao tuổi, các bệnh mạn tính chiếm tỷ lệ cao, đòi hỏi phải quản lý lâu dài, phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc-bệnh nhân-gia đình-cộng đồng. Việc phát hiện bệnh tật sớm, kịp thời là có ý nghĩa cho công tác điều trị cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Th ực tế cũng cho thấy phần lớn NCT chưa có thói quen đi kiểm tra sức khỏe thường kỳ, hệ quả là nhiều người không biết mình có bệnh hoặc nếu biết thì cũng không tuân thủ các biện pháp điều trị và phòng ngừa thích đáng.

Chăm sóc sức khoẻ NCT

Tuổi Vàng là thời gian mà mỗi người đã trải qua sau khi đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cho xã hội cũng như cho gia đình con cháu. Tại nhiều quốc gia, tuổi đó được coi như từ 65 trở lên. Hiểu biết những thay đổi về thể chất, tâm thần của nhóm người này là rất cần thiết để ứng phó, thích nghi. Khám sức khoẻ tổng quát hàng năm, kiểm soát toàn bộ sức khoẻ của NCT. Đây cũng là dịp để thầy thuốc thực hiện một số xét nghiệm về máu để theo dõi lượng đường, cholesterol, hồng cầu, bạch cầu, thử nghiệm nước tiểu để đánh giá tình trạng chức năng của thận, bàng quang. Sau cùng là tư vấn, hướng dẫn phòng bệnh sử dụng thuốc men đúng lời chỉ dẫn, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, luyện tập đều đặn, ngủ nghỉ đầy đủ để gìn giữ tuổi vàng.

Tích cực trong việc phòng chống lão hoá

Đã sống tới tuổi 65, thì sẽ có nhiều triển vọng là tuổi thọ sẽ đạt tới 80- 90. Giai đoạn tuổi già có thể là khoảng thời gian lâu hơn tuổi trung niên hay thiếu niên. Để an hưởng tuổi vàng, ta cần có một thái độ ứng xử tích cực, luôn đảm bảo một cuộc sống vui, khoẻ, sống có ích.

- Hãy trở thành cần thiết cho mọi người. Sằn sàng làm những việc lớn , nhỏ cho thân nhân. Làm cho người khác cảm thấy hạnh phúc là họ được chăm sóc, ưu ái.

- Giữ phần chủ động cuộc đời mình, luôn tỏ ra mình còn hữu dụng, còn khả năng, không cần phụ thuộc vào ai.

- Tiếp tục học hỏi.

- Đừng để mình bị cô đơn, lẻ loi. Trong sinh hoạt hàng ngày, hãy cố gắng gần gũi với mọi người, kiềm chế phẫn nộ, gạt bỏ tâm tư xấu, ngăn ngừa căng thẳng thần kinh, tránh tranh chấp mà nên nhượng bộ, tập luyện thể dục điều độ.

Ăn uống

Chế độ ăn uống với thực phẩm dinh dưỡng là mối quan tâm lớn của con người. Không có một công thức nấu ăn nào hoàn hảo cho tuổi thọ trường sinh. Nhưng những lời khuyên thực tế sẽ là: thực phẩm phải đa dạng, phẩm chất dinh dưỡng cao và cân bằng. Biết lựa thức ăn thích hợp, chia lượng thực phẩm trong ngày thành nhiều bữa nhỏ.

- Tránh thực phẩm có nhiều chất mỡ, nhất là mỡ động vật, mỡ bão hòa làm tăng cholesterol trong máu. Mỡ thực vật, không bão hòa, làm giảm cholesterol. Nên thay thịt bằng cá, rau, trái cây, uống sữa có ít chất béo.

- Ăn thực phẩm có nhiều chất carbohydrates như rau, trái cây, hạt ngũ cốc, vừa rẻ lại tốt lành và cũng có nhiều năng lượng. - Về chất đạm, protein là thành phần chính cấu tạo nên cơ thể. Chất này có nhiều nhất trong thịt động vật nhưng cũng có trong thảo mộc, nhất là các cây thuộc họ đậu (legumes): đậu Hà lan, đậu cô ve, đậu nành. Khoa học đã chứng minh là một khẩu phần có nhiều chất đạm động vật làm tăng hiểm họa gây bệnh tim mạch. Với tuổi cao, chúng ta nên theo một chế độ thực phẩm với thịt nạc, sữa ít chất béo, nhiều rau, trái cây.

- Nước và muối cũng cần được lưu ý. Trong cơ thể, tỷ lệ nước lên đến 60%, mỗi ngày thận lọc gần hai trăm lít máu và thải ra 1/100 dung dịch nước. Như vậy cơ thể đòi hỏi một số lượng nước tối thiểu để hoạt động, trung bình ta cần uống 1 lít rưỡi nước mỗi ngày, và uống thêm khi nào thấy cần.

- Gần đây, chất xơ (fi ber) trong rau và trái cây được nhắc tới nhiều vì nó có công dụng trong việc hạ thấp lượng cholesterol trong máu, tăng tốc độ di chuyển của thức ăn trong ruột, tránh được táo bón và viêm ruột. Chất xơ không có giá trị dinh dưỡng nhưng có tác dụng làm đầy dạ dày, mất cảm giác thèm ăn nên còn có tác dụng giúp ta giảm béo.

- Sinh tố và khoáng chất có tác dụng xúc tác trong việc chuyển hóa thức ăn và có nhiều trong các loại thực phẩm. Tuy nhiên, ở người cao tuổi, khẩu phần nhiều khi không được cân bằng và có thể thiếu một vài loại sinh tố nào đó. Cần bổ xung các chất chống oxy hoá mà 3 chất chính là sinh tố C, sinh tố E và Beta-caroten.

Vận động

Sự tập luyện giúp con người duy trì được một phần lớn sức bền bỉ đã có, dù rằng người ta đã vào tuổi lão suy. Không nên quá nhấn mạnh vào sự phải nghỉ ngơi, dưỡng sức. Tập luyện làm tăng sự nhịp nhàng của toàn thân, tim phổi tăng hiệu năng, giảm tăng huyết áp và cholesterol, khớp xương co duỗi trơn tru, cơ xương cứng cáp, trí óc sáng suốt, nhạy cảm hơn, tâm thần thoải mái, yêu đời và “chuyện ấy” cũng tốt hơn, tuổi thọ sẽ cao hơn. Hãy sắp đặt một chương trình tập luyện thích hợp với tuổi, sức khỏe, hoàn cảnh, điều kiện của mình. Dành cho sự vận động một khoảng thời gian ưu tiên và cố định trong ngày, coi sự vận động như một nhu cầu chứ không phải để giải trí. Hãy làm sao để sự tập luyện trở thành người bạn đồng hành của các cơ năng trong cơ thể. Hãy tự bảo vệ sức khỏe của mình cùng với nỗ lực của chính sách xã hội không ngừng nâng cao chất lượng sống.
Mọi người có thể mắc triệu chứng đau lưng ngay cả khi tuổi còn rất trẻ và cũng không có sự phân biệt giàu – nghèo, giới tính cũng như chủng tộc, vùng địa lý (miền xuôi, miền ngược, nông thôn, thành thị). Tuy vậy, người cao tuổi (NCT) dễ mắc chứng đau hơn rất nhiều so với người trẻ tuổi, đau lưng chỉ là một triệu chứng nhưng gây không ít phiền toái cho người bệnh.
 

Nguyên nhân gây đau lưng ở NCT
Đau lưng có hai loại nguyên nhân cơ bản: Đau lưng do tác động cơ học và đau lưng do hiện tượng viêm.
Đau lưng do tác động cơ học: đây là loại đau lưng hay gặp ở lứa tuổi đã trưởng thành và đặc biệt là NCT như: thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai đôi cột sống… Thoái hoá cột sống thường hay xảy ra ở vị trí sụn khớp và đĩa đệm, bởi do hiện tượng trọng lực của cơ thể quá nặng tác động hàng ngày lên cột sống và cả tác động của trọng lực đè lên vai gáy rồi tác động xuống hệ thống đốt sống (ví dụ như ngồi làm việc nhiều giờ không vận động). Khi cột sống bị thoái hoá thì triệu chứng đau lưng được thể hiện khá sớm và cũng chính vì có hiện tượng đau lưng rất khó chịu mà người bệnh phải đi khám. Ngoài các nguyên nhân do thoái hoá cột sống thì có những nguyên nhân thuộc về cơ học như: mang vác nặng, thay đổi tư thế đột ngột hoặc bưng, bê không cân xứng… Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây đau lưng ở NCT.

Đau lưng do hiện tượng viêm: trong các nguyên nhân gây viêm có thể xảy ra ngay tại cột sống như: viêm đĩa đệm, lao cột sống, ung thư cột sống, viêm khớp cùng chậu… và cũng có nhiều trường hợp đau lưng nhưng lại do viêm nhiễm ở một cơ quan khác trong cơ thể như: viêm phần phụ ở nữ giới (viêm tiểu khung, viêm buồng trứng…), viêm dạ dày – tá tràng, viêm tiết niệu (do sỏi hoặc do vi khuẩn)… Các loại bệnh này thường gây đau lưng một cách âm ỉ, đặc biệt hay xảy ra vào ban đêm và đau lưng cùng một lúc với các triệu chứng chính của bệnh (ví dụ như người bị đau dạ dày, sỏi tiết niệu). Những nguyên nhân này cũng thường gặp ở NCT nhiều hơn người còn trẻ tuổi.

Biện pháp khắc phục đau lưng
Đau lưng chỉ là một triệu chứng biểu hiện của nhiều bệnh. Trước hết, người bị đau lưng nên xem bệnh có từ bao giờ và có những hiện tượng gì liên quan đến đau lưng hay không? Ví dụ hay đau lưng vào thời gian nào trong ngày, đau có liên tục không, cơn đau có dữ dội hay âm ỉ. Ngoài đau lưng còn có triệu chứng nào liên quan mật thiết với bệnh như: tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu són, nước tiểu có máu, nước tiểu đục hoặc sau mang vác nặng; bưng bê vật nặng, sai tư thế. Có thể tự tìm thấy một số dấu hiệu hoặc hiện tượng có khả nghi nhưng không nên tự mình chẩn đoán bệnh cho mình hoặc người thân khi không có chuyên môn thực sự về y khoa.
Điều quan trọng nhất của việc tìm nguyên nhân gây đau lưng là đi khám bệnh ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện và trang thiết bị chẩn đoán. Khi đến khám bệnh cần nghe rõ thầy thuốc hỏi những gì và cần nói rõ cho thầy thuốc biết những hiện tượng đau lưng và các biểu hiện kèm theo. Bác sĩ sẽ khám và cho làm các xét nghiệm có liên quan, ví dụ như: có thể cho chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, siêu âm hệ thống niệu (thận, niệu quản, bàng quang), làm xét nghiệm về nước tiểu.

Có khá nhiều trường hợp khi tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục thích hợp thì đau lưng cũng dần dần sẽ khỏi, ví dụ như: ngồi sai tư thế, bưng bê vật nặng không cân xứng trọng lực giữa hai tay và hai chân hoặc các trường hợp đau lưng do ngồi sai tư thế hoặc do ngồi quá nhiều giờ liền như: đối với lái xe, cán bộ văn phòng ngồi trước máy vi tính nhiều giờ, các nhân viên tổng đài, thợ may… Một số bệnh sốt cấp tính do nhiễm trùng cũng gây đau lưng, đau cơ, mệt mỏi như trong bệnh sốt xuất huyết (loại sốt Dengue cổ điển).
Trên cơ sở khám lâm sàng, kết quả các xét nghiệm và cận lâm sàng thì bác sĩ khám bệnh sẽ kết luận và cho hướng điều trị thích hợp. Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp mặc dù biết rõ căn nguyên nhưng giải quyết triệt để căn nguyên đó không phải đơn giản. Chẳng hạn như: thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm. Nhiều nhà chuyên môn khuyên rằng, khi biết rõ nguyên nhân gây đau lưng thì cần tìm mọi cách để giải quyết nguyên nhân và sau khi đã điều trị khỏi chứng đau lưng thì không nên để tái phát nguyên nhân đó.Ngoài việc tìm căn nguyên để điều trị thì các việc làm khác hỗ trợ cũng rất cần thiết như tập thể dục nhẹ nhàng tuỳ theo sức mình và bệnh của mình. Các động tác đi bộ hoặc tập thể dục cho người thoái hoá cột sống cũng rất cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị, theo dõi sức khoẻ cho mình.

Việc dùng thuốc để điều trị căn nguyên gây đau lưng không phải tuỳ tiện mà cần tuân thủ y lệnh một cách tuyệt đối của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự mua thuốc để điều trị hoặc cùng một lúc cả thuốc Tây y và Đông y. Trong điều kiện cho phép, có thể điều trị Đông – Tây y kết hợp, ví dụ như uống thuốc Tây y kết hợp xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt hoặc vật lý liệu pháp. NCT cũng đừng quên đi khám bệnh định kỳ để được theo dõi bệnh một cách liên tục đề phòng bệnh tái phát.
Khó nuốt có nghĩa là phải mất nhiều thời gian và nỗ lực để đưa thức ăn hoặc chất lỏng từ miệng đến dạ dày. Khó nuốt là một tình trạng cần được báo động ở mọi lứa tuổi nhưng người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi, nên hết sức lưu ý, vì đây là biểu hiện của một số bệnh nghiêm trọng.



Nguyên nhân khó nuốt
Bình thường đường kính của thực quản của người có thể giãn rộng tới 4cm để cho thức ăn và chất lỏng đi qua, mỗi khi đường kính đó nhỏ hơn 1,5cm thường xuyên xảy ra thì sẽ gây khó khăn cho việc ăn, uống và kèm theo đau, rát, thậm chí khó thở. Động tác nuốt là một chuỗi phản ứng của nhiều cơ quan tham gia vào như miệng, lưỡi, hầu, thực quản, các cơ quanh thực quản và vai trò của thần kinh. Vì vậy, khó nuốt là hiện tượng cản trở thức ăn và chất lỏng đi qua vùng miệng, hầu, thực quản gây nên triệu chứng đau, rát, khó chịu, thậm chí khó thở. Người ta ước tính ở tuổi ngoài 50 ít nhất trong 1 tuần có 1 lần khó nuốt, chiếm khoảng 35%.

Các tác giả cho thấy càng lớn tuổi thì hiện tượng khó nuốt càng tăng lên. Trong cuộc sống thường ngày có một số người khó nuốt do thói quen ăn, uống quá nhanh, nhai không kỹ hoặc một số trẻ sơ sinh có hiện tượng trớ, nôn do khó nuốt bởi đặc điểm sinh lý của trẻ chưa được hoàn thiện nhất là hệ thần kinh, trong đó có thần kinh điều tiết sự co bóp của thực quản. Tuy vậy, theo thời gian các hiện tượng đó sẽ hết dần.

Ở trẻ em, khi thấy khó nuốt, đau, khóc thét, thậm chí tím tái thì nên nghĩ là vùng họng, thực quản của trẻ có vấn đề quan trọng, thông thường hay gặp nhất là trẻ hóc xương hoặc nuốt vật lạ vào họng, thực quản.

Với người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi thì phải hết sức cảnh giác với hiện tượng khó nuốt, bởi vì có rất nhiều nguyên nhân, trong đó đáng sợ nhất là bệnh ác tính thuộc họng hầu thực quản, thanh quản. Bệnh gặp nhiều nhất là ở trong lòng thực quản như rối loạn co bóp thực quản, xơ cứng bì. Xơ cứng bì là bệnh hệ thống gây tổn thương nhiều cơ quan trong đó có xơ cứng niêm mạc và các cơ co thắt thực quản. Một số bệnh như bỏng thực quản (có thể mưng mủ, nhiễm trùng) mà hậu quả sau đó là sẹo thực quản, trào ngược dạ dày thực quản (có thể để lại sẹo thực quản), polyp thực quản, u thực quản, sa thực quản (do dạ dày, ruột hoặc các cơ quan khác trong vùng bụng thoát vị qua cơ hoành vào trong khoang ngực). Nhưng nguy hiểm nhất là ung thư thực quản gây khó nuốt liên tục, thường xuyên.

Ung thư thực quản là một bệnh hay gặp ở nước ta, đặc biệt ở nam giơi trên 40 tuổi. Đây là một bệnh ở giai đoạn đầu không cẩn thận sẽ dễ nhầm với một số bệnh khác (bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh dạ dày - tá tràng, bệnh về tim mạch, bệnh đau thần kinh liên sườn) vì người bệnh đau sau xương ức, nuốt khó hoặc nghẹn, sau đó nuốt khó liên tục, thường xuyên và nuốt đau hoặc nôn. Ở xung quanh thực quản cũng gặp nhiều trường hợp chèn ép thực quản gây khó nuốt như ung thư hạ họng, suy tim, u trung thất, bệnh về đốt sống cổ (xương tăng sinh ở cạnh trước sống cổ đè ép thực quản)…

Một số bệnh về cơ quan khác của đường hô hấp trên như họng, hầu, vòm hầu, viêm amiđan hoặc bệnh của đường tiêu hóa như tâm vị không giãn, khối u tâm vị hoặc một số cơ quan khác trong ổ bụng thoát vị qua cơ hoành cũng gây nên khó nuốt. Ngoài ra, ở người cao tuổi khó nuốt còn có thể do một số bệnh tổn thương hệ thần kinh như bệnh Parkinson, đột quỵ não (tai biến mạch máu não gây liệt). Khó nuốt đôi khi không có tổn thương thực thể mà chỉ có cảm giác nuốt vướng một vật gì ở họng lúc có, lúc không (không thường xuyên) cũng có thể là do viêm amiđan mạn tính hoặc do tác động bởi stress hoặc do bệnh tâm thần.

Để xác định nguyên nhân gây khó nuốt thì cần được khám bệnh một cách tỷ mỷ và tiến hành một số xét nghiệm, cận lâm sàng cần thiết. Ở các cơ sở y tế có đủ điều kiện thì sẽ được chụp thực quản có thuốc cản quang hoặc nội soi thực quản. Với nội soi thực quản có nhiều ích lợi, ngoài việc chẩn đoán xác định nguyên nhân gây khó nuốt thì ở một số cơ sở y tế có kinh nghiệm có thể phẫu thuật cắt khối u hoặc polyp qua nội soi. Hoặc trong các trường hợp khó nuốt do hẹp thực quản (sẹo thực quản do hậu quả của bỏng , trào ngược dạ dày thực quản) thì có thể nong thực quản qua nội soi.

Biến chứng của khó nuốt
Do khó nuốt, nhất là khó nuốt kéo dài làm cho người bệnh không ăn uống được hoặc ăn uống không đủ lượng sẽ xuất hiện một số biến chứng như suy dinh dưỡng, rối loạn nước và chất điện giải. Trong một số trường hợp khó nuốt chưa xác định được nguyên nhân làm cho người bệnh lo lắng, suy sụp tinh thần. Một số trường hợp khó nuốt do ung thư thực quản nếu không phát hiện sớm để chữa trị thì bệnh tiến triển nhanh và có thể gây tử vong.

Để phòng khó nuốt cần dựa vào nguyên nhân gây ra mà có các biện pháp đề phòng thích ứng. Với trẻ em cần hết sức thận trọng không để trẻ hóc xương hoặc nuốt các vật cứng vào họng (các loại đồ chơi). Nếu xảy ra, cần cho trẻ đi khám ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa tai mũi họng để giải quyết cấp cứu kịp thời không để thực quản bị tổn thương, nhiễm trùng, mưng mủ gây khó nuốt cho trẻ. Với người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi khi thấy khó nuốt cần đi khám bệnh ngay, nhất là khó nuốt kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng thì càng cần được khám bệnh để xác định nguyên nhân. Các trường hợp này cần khám ở chuyên khoa tai mũi họng hoặc khám chuyên khoa tiêu hóa hoặc chuyên khoa ung thư. Tại các chuyên khoa này nếu chưa tìm ra nguyên nhân thì sẽ được gửi khám các chuyên khoa khác có liên quan đến bệnh khó nuốt như: xương khớp, thần kinh, tâm thần. Khi được xác định nguyên nhân thì đa số được điều trị nội khoa (dùng thuốc) như viêm thực quản, trào ngược dạ dày thực quản, tai biến mạch máu não, thoái hóa cột sống cổ, tâm thần, stress. Một số người khó nuốt do khối u chèn ép sẽ được phẫu thuật (điều trị ngoại khoa). Điều quan trọng là người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi không được chủ quan, xem thường để đến khi bệnh nặng mới đi khám bệnh.

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Bệnh khớp thường diễn ra phổ biến ở những người cao tuổi và khá nguy hiểm vì có thể gây viêm và cứng khớp. Trong các loại bệnh khớp thì khớp gối là dễ bị tổn thương nhất.

Khi bị đau khớp gối thì triệu chứng xuất hiện nhiều nhất là đau âm ỉ sau đó đau lâu, cứng khớp, có những tiếng lắc rắc ở khớp gối khi di chuyển,… Vậy để giảm đau khớp gối chúng ta làm thế nào?
Chườm đá
Khi bị đau khớp gối bạn có thể lấy đá chườm sẽ có hiệu quả nhanh chóng. Đá lạnh lúc này giống như một chất gây mê làm dịu cơn đau nhanh chóng. Song khi chườm đá bạn nên chú ý đặt đá trong một túi nhựa hoặc khăn bông để chườm tránh để đá tiếp xúc trực tiếp với da.
Design by Hao Tran -