Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin sức khỏe. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin sức khỏe. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Các mô mắt bị bệnh của một số bệnh nhân thoái hóa điểm đen do tuổi (AMD) có chứa một loại vi khuẩn có tên Chlamydia pneumoniae gây chứng viêm kinh niên và có liên quan đến bệnh tim. Kết quả nghiên cứu có thể khẳng định mối liên quan giữa bệnh AMD với một gene của hệ miễn dịch mà người ta cho rằng có dính líu đến bệnh mù lòa.


Các nhà nghiên cứu tại Viện Tai Mắt Massachusetts đã tìm ra vi khuẩn Chlamydia trong mô mắt bị bệnh của 5/9 bệnh nhân AMD. Vi khuẩn này không được tìm thấy trong mắt của 20 người không có bệnh. Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy thoái hóa điểm đen có thể bắt nguồn từ sưng viêm.

Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Murat Kalayoglu, viết trong báo cáo: “Nghiên cứu chỉ ra rằng vi khuẩn Chlamydia có khả năng thay đổi chức năng của các loại tế bào quan trọng giúp điều khiển hoạt động bình thường của mắt.

Chúng tôi đã thấy rằng vi khuẩn Chlamydia làm tăng lượng sản sinh VEGF, một loại protein liên quan đến AMD. Do đó, việc các tế bào mắt người bị nhiễm vi khuẩn Chlamydia gia tăng lượng VEGF là điều đáng lưu tâm và có thể lý giải phần nào nguyên do VEGF tăng ở rất nhiều người bị bệnh AMD”.

Nghiên cứu mới đây đã tìm ra rằng hơn ½ các ca AMD bắt nguồn từ sự thay đổi một gene gọi là Complement Factor H (CFH). Gene này tạo ra một protein điều khiển hệ miễn dịch và phản ứng sưng viêm của cơ thể.

Kalayoglu nói: “Giả thuyết của chúng tôi cho rằng vi khuẩn Chlamydia có thể là khớp nối chủ chốt giữa CHF và AMD. Có nghĩa là bệnh nhân bị biến đổi CHF rất dễ nhiễm trùng kinh niên và một vi khuẩn lây nhiễm như Chlamydia có thể đóng vai trò gia tăng tốc độ viêm sưng, khiến bệnh nhân chuyển sang giai đoạn bệnh AMD”.
(Theo Tiền Phong)

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Nghiên cứu mới đây ở Mỹ cho thấy 20 triệu phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh không hề biết rằng xương của họ nhanh chóng loãng đi và trở nên giòn, dễ gãy. Đây là một điều rất đáng tiếc vì hiện đã có 5 loại thuốc điều trị và ngăn ngừa chứng loãng xương.

Bác sĩ Ethel S. Siris và cộng sự tiến hành nghiên cứu trên 200.000 phụ nữ từ 50 tuổi trở lên đã qua thời kỳ mãn kinh. Không ai trong số này được chẩn đoán là bị loãng xương trước đó.
Thử nghiệm mật độ xương cho thấy, gần 40% phụ nữ bị giảm mô xương (osteopenia) và 7% có mật độ xương giảm nghiêm trọng, có thể chẩn đoán là mắc chứng loãng xương (osteoporosis).
Các tác giả đã phát hiện một số yếu tố nguy cơ dẫn tới giảm mật độ xương:
  • Tuổi cao.
  • Tiền sử gãy xương của bản thân hoặc gia đình.
  • Nguồn gốc châu Á hoặc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
  • Hút thuốc lá.
  • Sử dụng Cortison, thuốc chống viêm mạnh dùng trong một số bệnh như hen suyễn, viêm khớp dạng thấp.
Những phụ nữ ít bị loãng xương có đặc điểm:
  • Trọng lượng cao.
  • Nguồn gốc Phi - Mỹ.
  • Sử dụng oestrogen thay thế.
  • Dùng thuốc lợi tiểu để điều trị chứng cao huyết áp và suy tim.
  • Tập thể dục.
  • Uống rượu 1-6 cốc/tuần.

Nghiên cứu cũng cho thấy, nguy cơ gãy xương ngay trong năm kế tiếp thử nghiệm tăng 2 lần ở phụ nữ bị giảm mô xương và tăng 4 lần ở người bị loãng xương.
Đây là nghiên cứu với quy mô lớn nhất về loãng xương tại Mỹ. Nó xác nhận nghi ngờ bấy lâu nay của nhiều nhà nghiên cứu rằng một lượng đáng kể phụ nữ sau mãn kinh có mật độ xương rất thấp mà không hề hay biết. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hội Y khoa Mỹ số ra hôm nay (12/12).

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Băn khoăn khi lựa chọn quần áo, không thích công nghệ mới là những biểu hiện cho thấy ai đó đang ngày một "lão hóa".

Ảnh minh họa: Alamy.
Khó chịu khi thấy người khác sử dụng tiếng lóng
Tiếng lóng hay những khẩu ngữ thông thường được nhiều người trẻ tuổi ngày nay sử dụng. Loại hình ngôn ngữ này phong phú, đa dạng và cập nhật liên tục từng ngày.
Nếu còn trẻ, hẳn bạn sẽ cảm nhận chuyện này bình thường và có thể sử dụng thành thạo một từ lóng dù chỉ mới nghe qua vài lần. Tuy nhiên, nếu một ngày bạn không thể nào học một khẩu ngữ mới, thì hẳn là bạn đã già rồi.
Theo lý giải khoa học, nguyên nhân là bởi hiện tượng trên thể hiện khả năng tiếp nhận và phản xạ với thông tin mới của bạn không còn nhanh như trước mà mất dần theo thời gian. 
Về lý thuyết, quá trình học tập ngôn ngữ sẽ kéo dài cả đời. Tuy nhiên, trong thực tế, hầu như ai cũng có một điểm giới hạn. Khi đạt tới độ tuổi ấy, khả năng tiếp thu ngôn ngữ của chúng ta sẽ giảm dần đi, khiến ta khó khăn hơn khi học từ ngữ mới.
Lúc đó, bạn cảm thấy bực mình khi gặp phải một từ lạ hoắc, không chính thống, nhưng rất nhiều người khác bên cạnh mình, trẻ hơn sử dụng nó một cách thành thạo.
Băn khoăn khi lựa chọn quần áo
Khi còn trẻ, sự lựa chọn về quần áo hay kiểu tóc có thể đơn giản, điệu đà hoặc cầu kỳ nhưng tựu trung, con người thường mặc những bộ đồ thoải mái, cắt kiểu tóc phù hợp với cá tính của mình nhất.
Thế nhưng, nếu một ngày kia, bạn bỗng cảm thấy lựa chọn quần áo thật khó khăn. Bạn thích một chiếc áo phông, nó đẹp, vừa vặn, giá cả phải chăng song trước khi mua, bạn tự hỏi mình: "Liệu có quá trẻ để mặc chiếc áo này không?”. Đó là dấu hiệu chứng tỏ bạn đã già đi nhiều rồi đó.
Nhìn dưới góc độ tâm lý học, đây là một sự thay đổi lớn về nhận thức. Con người khi còn trẻ có xu hướng thích khám phá và ưa trải nghiệm. Con người có thể mặc tất cả mọi thứ để xem chúng ra sao, sẵn sàng để một kiểu tóc kỳ lạ để gây chú ý. Nhưng khi già đi, xu hướng ấy không còn nữa. Con người sẽ ăn mặc với một sự cẩn trọng hơn, để ý đến các nguyên tắc thông thường của xã hội hơn là nhu cầu bản thân.
Chán ghét công nghệ mới
Khi cùng tìm hiểu về một chiếc máy tính đời mới nhất, trẻ em dù không biết gì nhưng chúng vô cùng thích thú, tò mò khám phá về đồ công nghệ trước mặt. Ngược lại, người già dù từng là chuyên gia máy tính cũng sẽ thấy nhàm chán trước những công nghệ mới. Rõ ràng, chán ghét công nghệ mới chính là một dấu hiệu chứng tỏ bạn đang "lão hóa".
Các nhà khoa học đã chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng này là do con người khi còn trẻ rất thích khám phá, học hỏi những điều mới lạ. Chúng ta có thể sử dụng nhiều giờ đồng hồ, thậm chí cả ngày để tìm hiểu, mò mẫm một sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường. 
Điều này trái ngược hẳn lại khi con người có tuổi. Tới một thời điểm nào đó, giống như bão hòa vậy, con người có xu hướng ổn định, không thích cái gì mới làm thay đổi cuộc sống bình thường của mình. 
Bên cạnh đó, khả năng tiếp thu trong thực tế của phần đông chúng ta giảm đi theo thời gian. Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng chán ghét công nghệ mới nói trên.
Hờ hững trong những cuộc tranh luận
Đây là một dấu hiệu điển hình, liên quan nhiều tới sự trải nghiệm của mỗi cá nhân trong thực tế. Khi còn trẻ, những cuộc tranh luận luôn khiến ta thấy hứng thú, phấn chấn, con người tham gia tích cực vào đó, đóng góp ý kiến, thể hiện cái tôi cá nhân. Đó là một phản ứng tâm lý thông thường của mọi người.
Tuy nhiên, khi bạn bỗng thấy hờ hững với tất cả, thì lúc này có lẽ bạn không còn trẻ nữa. Trên thực tế, đa số các cuộc tranh luận đều không đi tới hồi kết. Theo thời gian, con người lớn dần và trải nghiệm nhiều hơn số cuộc tranh luận.
Lúc này, bộ não dần hình thành một suy nghĩ: “Tranh cãi làm gì, đằng nào cũng có thống nhất được gì đâu. Nên tốt nhất là ngồi im”. Kể từ thời điểm ấy, chúng ta gần như vô cảm và không mấy hào hứng trong các cuộc tranh luận gay gắt.

Câu chuyện về một cụ ông 71 tuổi ở Quảng Đông (Trung Quốc) quyết định chọn nhà tù là nơi ở cuối đời cho mình hiện làm dấy lên những lo ngại về đời sống của hơn 120 triệu người già Trung Quốc, đặc biệt là hơn 90 triệu người già hiện sống ở nông thôn nước này - những người thường chưa được hệ thống an sinh xã hội quan tâm tới.

Điều này càng nóng bỏng hơn khi mỗi năm Trung Quốc lại có thêm 650.000 cụ trên 60 tuổi.
Không có tiền, không có chỗ ở, ông cụ Lý Triệu Khôn, 71 tuổi, đã quyết định đốt một khu rừng ở Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông hôm 9-11 với mong muốn duy nhất là được vào tù. Cảnh sát sau đó phát hiện chỉ một tuần trước đó ông Lý vừa hết án 5 năm tù vì tội cố ý phóng hỏa. Hỏi thì cụ Lý trả lời muốn trở lại nhà tù vì ở đó có đồ ăn, chỗ trú thân, giúp chấm dứt quãng đời dài lang thang của mình.
Không có giấy tờ chứng minh nhân thân, cụ Lý cũng chẳng biết mình từ đâu tới mà chỉ nhớ mình đã ăn xin từ nhỏ cùng bố mẹ. Cả bố mẹ đều mất trước khi ông 10 tuổi. Lúc trẻ ông sống vất vưởng qua ngày bằng việc ăn xin, nhặt rác, làm các công việc chân tay nặng nhọc và cuộc sống của ông bắt đầu gặp khó khăn vào năm 2001 khi số tiền tiết kiệm 50.000 nhân dân tệ (6.250 USD) của ông cạn kiệt.
Hai lần tự tử tìm đến cái chết nhưng cả hai lần ông Lý đều được cứu và đưa vào các cơ sở từ thiện. Các cơ sở ở đó chỉ giữ ông trong một thời gian ngắn và yêu cầu ông về quê quán của mình để nhận sự giúp đỡ - điều mà cụ Lý không thể làm được vì cụ chẳng biết quê quán mình ở đâu và dù có biết thì ở đó cũng chẳng ai biết cụ. Các quĩ cứu trợ không thể giúp ông vì tiền cứu trợ là tiền từ ngân sách, tiền thu thuế của địa phương và thường chỉ dành cho người cơ nhỡ ở đó.
Các giá trị truyền thống bị xói mòn
Nếu vô gia cư là nguyên nhân gây ra nỗi đau cho cụ Lý thì vẫn còn hàng ngàn người già khác cũng phải chịu những nỗi đau này dù có nơi ở. Có thể thấy rất nhiều người lang thang già cả đi ăn xin ở ga tàu và các địa điểm du lịch ở các thành phố lớn vì không được con cái săn sóc. Năm ngoái, ở thủ đô Bắc Kinh đã có hơn 2.000 vụ các cụ ở nông thôn kiện con cháu mình về các vấn đề chăm sóc ra tòa án trung cấp. Tuy vậy, phần lớn các nông dân thường tránh đưa những đứa con bất hiếu của mình ra tòa vì sợ mất mặt.
Nông dân Trung Quốc theo truyền thống vẫn dựa vào sự chăm sóc của con cái khi tuổi già. Tuy nhiên, các tập tục như phải kính trọng và săn sóc người già hiện đang tan vỡ dần. Khi hàng triệu nông dân trẻ đi theo làn sóng di cư lớn tới các vùng đô thị hóa ở miền đông trong thập kỷ trước thì những người già bị bỏ lại. Rất nhiều cụ già được để lại rất ít tiền nhưng lại phải nuôi thêm cháu của mình nữa.
Ông Trại Vũ Hòa, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hắc Long Giang và là chủ một công ty than tư nhân, từng tự mình bỏ 100.000 nhân dân tệ (12.500 USD) để điều tra về tình hình những người già ở nông thôn cuối năm ngoái. Kết quả của cuộc điều tra trong hai tháng với 10.400 nông dân trên 60 tuổi ở 31 tỉnh thành Trung Quốc cho thấy 45% những người này không sống với con cái, 5% không biết bữa ăn tới của mình sẽ từ đâu tới, 69% chỉ có một bộ quần áo và 67% trong số họ không có tiền để mua thuốc. Thu nhập trung bình của những người được điều tra là 650 nhân dân tệ/năm (82 USD). 85% số người già này vẫn phải lao động cực nhọc ở ngoài ruộng và 97% vẫn phải làm các công việc nhà.
Ông Trại nói: “Chính tôi cũng đến từ nông thôn và thật đau lòng khi thấy những nông dân này chịu cảnh nghèo khó và cô đơn sau hàng thập kỷ lao động vất vả”. Có đến một nửa các nông dân trẻ trong cuộc thăm dò tỏ ra thờ ơ đối với cha mẹ của mình - ông Trại cho biết.
Mặc dù đề xuất chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ gây thêm quĩ để xây dựng các trung tâm dưỡng lão và tăng thêm lương hưu cho nông dân, ông Trại vẫn cho rằng chỗ ở tốt nhất cho các cụ già chính là ở nhà và con cái nên quan tâm, chăm sóc những người già cả. Ông nói: “Là đất nước đang phát triển nên Trung Quốc hiện vẫn chưa thể cung cấp lương hưu cho tất cả người nghèo ở nông thôn.
Bên cạnh đó, người Trung Quốc thường tôn trọng đời sống gia đình, vì vậy người già thường có cảm giác bị bỏ rơi nếu họ phải ra ngoài sống”. Do đó ông kêu gọi khôi phục các giá trị truyền thống như lòng hiếu thảo của con cái, sự tôn trọng đối với người già, điều cần thiết cho việc xây dựng xã hội hòa đồng của người Trung Quốc. Ông nói: “Thật xấu hổ khi thế hệ trẻ giờ quá mê mẩn chăm sóc con cái mình mà lại thờ ơ với cha mẹ”.

Người ta khi đến tuổi già, trong thân thể xuất hiện nhiều biến đổi. Vẻ bề ngoài, tóc bạc, rụng tóc, da nhăn, thô và nháp, mí mắt và da mặt chảy xuống, thị lực kém, thính giác yếu… Nhưng sự già yếu vốn là cả một quá trình biến đổi phức tạp về sinh học trong cơ thể mà con người có thể làm chủ được tốc độ biến đổi đó.


Phương pháp dưỡng sinh có nhiều, nhưng trong đó "ăn uống đúng" là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Do đó, đối với người già, dùng chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ là một mặt không thể thiếu được để giảm bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.
Căn cứ đặc điểm sinh lý của tuổi già, nguyên tắc ăn uống của người già không ngoài việc lấy bổ ngũ tạng, điều hòa âm dương làm chính. Trong thức ăn nên quan tâm đến dinh dưỡng, ăn nhiều loại đậu và các chế phẩm của nó, cá và thịt nạc, nhưng cũng không nên bổ quá, tránh bị béo phì.


Ăn uống đúng là một trong những biện pháp ngăn chặn tuổi già
Người già nên ăn dầu thực vật, ăn hoa quả vì khi đó tì vị yếu kém, thức ăn nên đa dạng và ăn những chất dễ tiêu hóa. Không nên ăn uống vô độ.
Về mặt điều hòa âm dương có thể tùy thể chất mà định liệu. Âm hư có thể ăn những thứ bổ âm như: bạch mộc nhĩ, lê, dâu, mía, vừng, đậu phụ, rau chân vịt, vịt, ba ba, hải sâm, mật ong, phổi lợn, vịt trời, đường trắng.
Dương hư nên ăn những thức ăn ích khí trợ dương như: hạt sen, đại táo, gạo nếp, thịt bò, dạ dày bò, thịt chó, thịt gà, các diếc, lươn, rùa, dạ dày dê, lạc để điều hòa âm dương cân bằng. Trung Quốc thực liệu học nêu ra 6 nguyên tắc ăn uống cho người già. Xin ghi lại dưới đây để tham khảo:
Thứ nhất. Kiêng những thức ăn béo, ngọt, đậm nồng. Những thực phẩm như thế tuy giá trị dinh dưỡng cao, nhưng vì hàm lượng mỡ và đường rất lớn dễ làm cho người già béo, thể trọng tăng, mỡ trong máu tăng. Ngoài ra, ăn thức ăn nhiều mỡ đối với người già vốn đã kém tiêu hóa càng làm cho tiêu hóa không tốt. Dạ dày, ruột bị rối loạn, làm ảnh hưởng đến sự hấp thụ bình thường.
Thứ hai. Ăn uống phải bảo đảm đa dạng. Ăn uống của người già nên bảo đảm nhiều dạng thực phẩm. Loại nào cũng ăn một ít, không nên ăn lệch hay nghiện một món. Thực phẩm của người già phải đa dạng là để bảo đảm sự cân bằng dinh dưỡng, đưa vào thân thể đủ loại nguyên tố cần thiết để có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ.
Ngoài ra không nên ăn mặn quá, chua quá, ngọt quá, đắng quá, cay quá. Đúng như Nội kinh đã nói: "Ăn chua quá tì khí bị diệt, ăn mặn quá tâm khí bị ức nén, ăn ngọt quá tâm khí bị suyễn gấp, ăn đắng quá tì khí bị khô, ăn cay quá hại tinh thần". Cho nên, "ăn uống phải đúng mức, hài hòa ngũ vị", chỉ có thế mới có lợi cho sức khỏe của người già.
Thứ ba. Cấm ăn uống vô độ. Ăn uống phải đúng mức, người già ăn uống phải có quy luật, vì sức điều hòa của người già giảm sút, khả năng thích nghi của dạ dày, ruột đã kém, cho nên nhất định phải tránh ăn uống vô chừng mực. Nên ăn ít, ăn nhiều bữa, không đói, nhưng không no quá, phải đúng giờ, đúng số lượng. Còn cần tập thành thói quen nhai kỹ, nuốt chậm, điều đó có lợi rất nhiều cho sức khỏe và tuổi thọ.
Thứ tư. Kiêng ăn mặn quá. Ăn uống phải thanh đạm. Vì người già ăn mặn sẽ đưa vào cơ thể lượng muối quá nhiều, dễ tạo thành bệnh cao huyết áp, làm ảnh hưởng tim, thận. Theo điều tra, những người hàng ngày ăn 4g muối trở xuống rất ít mắc bệnh huyết áp, còn những người một ngày ăn 26g muối thì số mắc bệnh huyết áp là 40%. Cho nên có người cho rằng ăn mặn tức là tự sát.
Thứ năm. Cấm ăn uống nóng quá hoặc lạnh quá. Thức ăn phải tươi ngon mới dễ tiêu hóa. Vì chức năng tiêu hóa của người già đã yếu, nên ăn nóng quá hoặc lạnh quá dễ kích thích màng nhầy của đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng sự hấp thu dinh dưỡng.
Ngoài ra thức ăn phải dễ tiêu hóa. Thực phẩm nên căn nhỏ, nấu nhừ, thịt có thể băm thành thịt viên, rau nên chọn lá non. Nhưng cũng không nên cắt rau bé quá vì độ dài sợi xenlulô thích hợp sẽ có lợi cho thông đường ruột và đại tiện, đồng thời có tác dụng đề phòng xơ hóa động mạch. Nên ăn nhiều rau tươi, hoa quả vì trong đó chứa nhiều loại vitamin và những thành phần dinh dưỡng khác.
Thứ sáu. Không uống rượu, hút thuốc. Nghiện những thứ này với người già là điều cấm kỵ.

Một doanh nhân thành đạt, tuổi đã ngoài năm mươi, đọc báo, xem đài thấy các vị lãnh đạo rủ nhau đi thăm những người già trăm tuổi ở địa phương mình mới sực nhớ nhà mình cũng có… “nuôi” một người già hơn chín chục.


Công ty ông thỉnh thoảng cũng có tổ chức đi thăm chỗ này chỗ nọ, tặng quà cáp cho người này người kia, phát biểu những lời hay ý đẹp, thế nhưng người già ở nhà sao mà khó… “tiếp cận” quá. Ông thắc mắc sao lúc này quanh ta thấy nhiều người già quá vậy. Già thì mắt kém, tai lãng, đi lại khó khăn, mọi thứ lệ thuộc… nên dễ phiền lòng. Chút thì giận hờn. Chút thì trách cứ. Con cháu hiếu thảo cũng ba điều bốn chuyện rồi vội vã… lỉnh ngay! Người già cô độc càng cô độc.
Lúc nào cũng đang như “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt”… Lẩm cẩm, lặp đi lặp lại mãi một chuyện. Mới bắt đầu nói thì con cháu đã biết tỏng chuyện gì, có thể kể tiếp vanh vách không sai. Chuyện mới thì quên. Chuyện xưa thì nhớ. Lúc nào cũng nhắc lại quá khứ “hào hùng”. Lúc nào cũng chịu không nổi đám trẻ. Ông muốn có được nghệ thuật để "tiếp cận" với những người cao tuổi. Người ta đã khuyên doanh nhân trên làm những điều dưới đây:
Khi “tiếp cận” các cụ, đừng xuất hiện đột ngột đầu giường dễ làm họ giật mình. Phải lên tiếng, hỉ hả hịch hạc đôi ba câu để đánh động, tạo sự chú ý trước khi xuất hiện. Trí não các cụ không bắt nhịp nhanh như hồi còn trẻ được, phải có thời gian để “định thần”, tập trung chú ý rồi mới khởi sự giao tiếp được..
Khi đứng hoặc ngồi thì chọn khoảng cách đủ gần để có thể nắm tay, ôm vai. Truyền thông không lời có thể nói lên nhiều điều hơn ta tưởng. Mắt kém, nên cảm nhận qua tiếp xúc sẽ rất tốt. Nhớ luôn đứng phía đối diện, ngang tầm mắt. Như vậy, các cụ có thể nhìn vào môi mấp máy mà biết ta đang “nói hành nói tỏi” gì, có thể nhìn vào mắt mà biết ta đang nghĩ gì, định “dở trò gì”. Do vậy, khi tiếp xúc nên giữ nét mặt vui tươi, ân cần, thực sự quan tâm chớ không phải quấy quá cho xong!
Môi trường tiếp xúc cần yên tĩnh, các cụ mới dễ tập trung, dễ nhìn, dễ nghe. Nơi đông đúc ồn ào, nhộn nhạo, dễ gây hoang mang, mất tập trung. Lúc nói chỉ nên một người nói. Không nên tay xách nách mang, quơ tay múa chân lúc nói dễ gây rối trí.
Ánh sáng phải vừa đủ để có thể nhìn mắt, nhìn môi người nói. Tránh đứng trong bóng tối. Giảm bớt ánh sáng nếu thấy quá chói. Mắt các cụ yếu, chói quá thì đồng tử sẽ co nhỏ, không nhìn thấy gì, nhất là ở người có bệnh cườm già.
Tránh nói to tiếng. Tránh hét vào tai các cụ. Nếu có mang máy nghe, phải đảm bảo máy đã mở, còn pin, đang hoạt động tốt. Nên nói chậm rãi và rõ ràng. Lúc nói phải nhìn vào trong mắt. Nói vừa đủ lớn nhưng không được hét to. Không được quát.
Dùng những từ đơn giản, cụ thể, những câu ngắn gọn. Lặp lại đôi ba lần nếu cần. Khi cảm thấy các cụ chưa hiểu thì phải nói cách khác, dùng từ khác, cấu trúc câu khác cho dễ hiểu, dễ nghe hơn.
Mỗi lần chỉ nói một ý, một việc. Các cụ không thể cùng lúc nắm nhiều ý, nhiều thông tin, sẽ bị “nhiễu”. Mỗi lần hỏi một việc. Hỏi xong phải đợi một lúc để các cụ có thì giờ tập trung, ngẫm nghĩ và tìm từ diễn đạt. Thỉnh thoảng nên nhắc lại các ý chính. Tóm tắt cho dễ nhớ. Thường các cụ không tiện hỏi lại, sợ “quê”! Cần dặn dò gì thì ghi ra giấy. Chữ phải rõ, to, chân phương, dễ đọc.
Sẵn sàng chấp nhận sự nhầm lẫn, sai sót, quên trước quên sau của các cụ. Sẵn sàng chấp nhận những cơn nóng giận, bực dọc bất thường của các cụ! Cuộc tiếp xúc nhiều khi rơi vào thất bại. Sẵn sàng… đợi một dịp khác, lúc khác, thuận lợi hơn! Bởi vì có lúc các cụ rất dễ thương!
Cách ta đối xử với các cụ thế nào thì con cháu sẽ đối xử với ta như thế.

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Căn bệnh này là nguyên nhân chính gây mù lòa ở những người trên 50 tuổi. Nếu bị thương tổn một mắt, gần nửa số bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị bệnh tương tự ở mắt thứ hai trong vòng 3-5 năm. Điều nguy hiểm là có đến 82% bệnh nhân không được phát hiện bệnh kịp thời.

Bác sĩ Đoàn Hồng Dung, Phó khoa Đáy mắt Trung tâm Mắt TP HCM, cho biết, thời gian gần đây có rất nhiều người già bị mù mắt do mắc bệnh thoái hóa hoàng điểm mà không được điều trị kịp thời. Khoảng 2% bệnh nhân thoái hóa hoàng điểm ở lứa tuổi trên 50 sẽ bị mù lòa. Theo nhận định của các chuyên gia trên thế giới, tần suất của bệnh sẽ tăng gấp 3 lần trong 25 năm tới.
Thoái hóa hoàng điểm là một rối loạn chính của hoàng điểm, gây mất thị lực trung tâm. Bệnh có hai dạng:
- Dạng có tân mạch (mạch máu mới bất thường được sinh ra do phản ứng tự vệ của cơ thể): Các tân mạch này rất dễ vỡ, gây chảy máu trong mắt và tạo sẹo trên võng mạc, khiến bệnh nhân bị mất thị lực trung tâm. 90% bệnh nhân thoái hóa hoàng điểm dạng tân mạch sẽ bị mù.
- Dạng không có tân mạch: Chiếm 80% số ca bệnh. Tình trạng mất thị lực trong dạng này thường chỉ gây một ám điểm. Khoảng 10-20% ca không có tân mạch sẽ chuyển sang dạng có tân mạch.
Nguyên nhân gây bệnh duy nhất đã được nhận biết là tuổi tác. Bệnh nhân càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh càng cao. Ngoài ra, những đối tượng sau cũng có nhiều nguy cơ bị thoái hóa hoàng điểm:
- Người bị cao huyết áp và các bệnh tim mạch.
- Người hay hút thuốc lá.
- Người dinh dưỡng kém.
Nguy cơ mắc bệnh của phụ nữ cao gấp đôi so với nam giới.
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh bao gồm:
- Giảm thị lực trung tâm.
- Có ám điểm trung tâm: Là một điểm ở vùng trung tâm mắt mà khi vật thuộc điểm nhìn này, mắt sẽ không nhìn thấy.
- Hình ảnh nhìn thấy bị méo mó.
- Nếu hai mắt cùng bị bệnh, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó khăn khi đọc sách hoặc khi làm việc trong khoảng cách gần, tăng nhạy cảm với ánh sáng, chớp sáng.
Bác sĩ Đoàn Hồng Dung cho biết, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh thoái hóa hoàng điểm là rất quan trọng trong bảo tồn thị lực còn lại cho bệnh nhân, giúp ngăn ngừa mù lòa cho những người đã bị một mắt. Cách tốt nhất để sớm phát hiện bệnh là đi khám mắt định kỳ mỗi năm một lần.

Phụ nữ ở độ tuổi 37-68, đặc biệt là lứa tuổi mãn kinh (quanh tuổi 50), có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành. Nguy cơ này tăng 2-7 lần ở những phụ nữ mãn kinh từng phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Đó là kết quả của một nghiên cứu khoa học được trình bày tại hội nghị khoa học ngày 28/9 của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM).

Nghiên cứu nói trên được tiến hành trên gần 200 bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành và kéo dài 3 năm (1998- 2000). Các tác giả nhận thấy:
- Hơn 90% bệnh nhân bị đau ngực không điển hình (mệt, hồi hộp, nghẹn...).
- 9% đau ngực điển hình và thường kèm theo các triệu chứng khác như phừng mặt, rối loạn tiêu hóa, đau khi giao hợp...

Tại nhiều nước trên thế giới, thống kê cho thấy tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong đó xơ mỡ động mạch giữ một vai trò quan trọng: 90% nguyên nhân có liên quan đến xơ mỡ động mạch. Xơ mỡ động mạch là tiến trình kéo dài trong nhiều năm và là kết quả của quá trình rối loạn mỡ trong máu. 

Ngày nay người ta cho rằng sự tăng cao thành phần mỡ gây hại là LDL-cholesterol và giảm thành phần mỡ bảo vệ là HDL-cholesterol sẽ gây ra xơ mỡ động mạch. LDL-cholesterol cùng với hiện tượng oxy hoá góp phần quan trọng trong việc tạo ra mảng xơ mỡ. Chống được hiện tượng oxy hoa,ù ta sẽ làm chậm lại tiến trình xơ mỡ động mạch này, nghiã là đã góp phần làm giảm tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch.
            Những nghiên cứu gần đây cho thấy có một số vitamin tham gia chống quá trình oxy hoá gây ra xơ mỡ động mạch như vitamin C ( acid ascorbid ), vitamin E ( tocopherol ), tiền vitamin A ( caroten ).
Ngoài các vitamin nêu trên, các yếu tố vi lượng khác có chứa các chất như đồng, kẽm là những yếu tố đồng vận giúp các men chống lại quá trình oxy hóa hoạt động tốt hơn.
Một nghiên cứu tại Cambrige (Anh) cho thấy khi dùng vitamin E liều cao ( 400 - 800 UI/ngày ) ở những bệnh nhân bị hẹp động mạch vành do xơ mỡ động mạch, sau 200 ngày dùng thuốc thì nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm 77% và nguy cơ bệnh tim mạch khác giảm 47%.
Một nghiên cứu khác đã được thực hiện trên bệnh nhân bị hẹp động mạch vành tim đã phẫu thuật. Nghiên cứu này so sánh giữa 2 nhóm: một nhóm dùng thuốc điều trị xơ mỡ động mạch là Probucol 1000mg/ngày phối hợp với vitamin C 1000mg/ngày, vitamin E 1400 đơn vị/ngày, caroten 100mg/ngày so sánh với một nhóm khác chỉ dùng Probucol. Kết quả sau 6 tháng cho thấy nhóm có kết hợp với vitamin cho kết quả tốt hơn: giảm được 42% lượng mỡ trong máu.
Qua một vài nghiên cứu trên, ta thấy lợi ích của một số vitamin trong phòng ngừa bệnh xơ mỡ động mạch là rất lớn. Nhất là sự phối hợp vitamin C, vitamin E và caroten sẽ tốt hơn cho sức khỏe nếu chúng ta có điều kiện dùng các vitamin này.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần lưu ý trong ăn uống để cung cấp đầy đủ các vitamin cần thiết.
Vitamin C có nhiều trong cây xanh, rau qủa như chanh, cam, quýt, bưởi, bắp cải. Nhu cầu cơ thể về vitamin C có nhiều hơn các loại vitamin khác rất nhiều. Người lớn cần khoảng 50-100mg, nghĩa là 1mg/kg thể trọng mỗi ngày; đối với trẻ con và phụ nữ có thai cần 100-200mg mỗi ngày. Vitamin C ngoài tác dụng tốt cho tim mạch còn có tác dụng chống lại bệnh cúm, điều này đã được biết từ vài chục năm trước đây: với liều dùng khá cao 1g -4g/ ngày người ta có thể rút ngắn được 30% thời gian mắc bệnh cúm.
Caroten hay còn gọi là tiền vitamin A có trong tất cả các thực vật xanh, cà rốt. nhưng caroten là một hợp chất không bền bị phân giải nhanh chóng khi bị sấy khô. Caroten được giữ nhiều nhất bằng phương pháp ủ chua. Vitamin A trong thiên nhiên có trong dầu cá, bơ, trứng, sữa. nguồn vitamin A chính này được tổng hợp dưới dạng acetat.
Vitamin E ( tocopherol ) cần cho nhu cầu cơ thể hàng ngày là 5mg. Công dụng của vitamin E đã được biết từ lâu với tác dụng chữa chứng bệnh vô sinh. Ngày nay vitamin E đều được sử dụng dưới dạng tổng hợp.
Các yếu tố vi lượng như magné, kẽm, đồng có nhiều trong thịt, trứng, sữa.
Như vậy khi đã được xác định có vấn đề về bệnh tim mạch và xơ mỡ động mạch, bạn nên bổ sung thêm các thức ăn giàu vitamin và xin ý kiến bác sĩ về việc dùng thêm các thuốc có chứa các vitamin cần thiết nêu trên.



Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là tình trạng bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi nhưng ít được chú ý và rất dễ bỏ xót. Đây là dấu hiệu báo động một tai biến mạch máu não thực sự.

KHI NÀO GỌI LÀ CÓ CƠN THIẾU MÁU NÃO CỤC BỘ
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là rối loạn ở não do gián đoạn cung cấp máu tạm thời ở não gây giảm chức năng ở não ngắn và đột ngột. (không quá 24 giờ, thường dưới 1 giờ)
ĐÂC ĐIỂM - NGUYÊN NHÂN CỦA CƠN THIẾU MÁU NÃO CỤC BỘ THOÁNG QUA
- Thiếu máu não cục bộ thoáng qua báo hiệu sẽ bị tai biến mạch máu não sau đó
- 80% người bị tai biến mạch máu não do xơ vữa động mạch có thiếu máu não cục bộ thoáng qua trước đó
- 1/3 người có thiếu máu não cục bộ thoáng qua -> Thiếu máu não cục bộ thoáng qua tái phát
- Thường gặp ở tuổi sau 50, nam > nữ
- Có hiện tượng microemboli do mảng xơ vữa động mạch nhỏ hoặc khối lắng đọng mỡ nhỏ trong lòng mạch.
- Cục máu đông nhỏ tại chổ
- Đa hồng cầu
- Thiếu máu hồng cầu hình bia
- Co thắt tiểu động mạch não có liên quan thuốc lá
- Bất thường của mạch máu não #9; #9; #9;
- Viêm động mạch, bệnh lupus ban đỏ, giang mai
- Huyết áp thấp
YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA THIẾU MÁU NÃO CỤC BỘ THOÁNG QUA
- Tăng huyết áp
- Bệnh tim mạch như hẹp valves 2 lá
- Nhức nữa đầu
- Hút thuốc lá nhiều
- Tiểu đường
- Tuổi cao
TRIỆU CHỨNG GỢI Ý CỦA THIẾU MÁU NÃO CỤC BỘ THOÁNG QUA
  1. Triệu chứng điển hình
  2. - Cảm giác nặng hoặc yếu tay, chân làm rớt đồ vật đang cầm, té ngã, thay đổi dáng đi.
    - Mất đồng bộ phối hợp trong vận động
    - Thay đổi về cảm giác: tê rần, kiến bò.
    - Rối loạn giọng nói: nói khó, lộn xộn, sai lệch, không nói được
    - Mất thăng bằng, chóng mặt bản thân quay hoặc đồ vật xung quanh quay...
  3. Triệu chứng không điển hình
- Thay đổi đơn thuần về ý thức
- Cơn choáng, ngất xiủ
- Bần thần nhức đầu nhẹ
- Quên thoáng qua
- Nôn, buồn nôn
- Co giật, liệt mặt, đau ở mắt...
ĐÂC ĐIỂM CỦA CÁC TRIỆU CHỨNG NÀY TRIỆU CHỨNG
Các triệu chứng này bắt đầu đột ngột, kéo dài trong thời gian ngắn vài phút đến 24 giờ và sau đó biến mất hoàn toàn. Triệu chứng này có thể lập lại với thời gian kéo dài hơn. Triệu chứng đặc biệt này phụ thuộc vào vị trí, mức độ tắc nghẽn cũng như tuần hoàn bàng hệ và thường chỉ xảy ra một bên cơ thể.
ĐÁNH GIÁ LÂM SÀNG
- Bệnh sử đầy đủ chi tiết
- Phân tích triệu chứng kỷ lưỡng giúp hướng đến nguyên nhân, vị trí tổn thuơng.
- Khám thực thể: thần kinh và tim mạch nhớ khám động mạch cảnh.
XÉT NGHIỆM CHẪN ĐOÁN
- Xét nghiệm thường quy xét nghiệm đông máu.
- Siêu âm động mạch cảnh
- CT-Scan não hoặc MRI não
- Động mạch não đồ
- Xét nghiệm chẩn đoán giang mai
- Xét nghiệm phát hiện yếu tố nguy cơ: Tiểu đường, rối loạn lipid máu.
ĐIỀU TRỊ THIẾU MÁU NÃO CỤC BỘ THOÁNG QUA
+ Mục tiêu: - Cải thiện cung cấp máu cho
động mạch não
- Phòng ngừa dẫn đến tai biến mạch máu não - Thiếu máu não cục bộ thoáng qua tái phát phải nhập viện trong 48 giờ đầu để đánh giá nguyên nhân mức độ nặng và hướng điều trị lâu dài.
- Điều trị triệu chứng những rối loạn về máu như đa hồng cầu bằng cách làm loãng máu.
VẦN ĐỀ DÙNG THUỐC
- Thuốc ức chế tiểu cầu: dùng liên tục, không xác định thời gian phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa
- Thuốc cải thiện sử dụng oxy ở tế bào não
- Thuốc điều trị các yếu tố nguy cơ
- Chế độ ăn uống phù hợp với yếu tố nguy cơ
- Ngừng hút thuốc lá.
ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT TRONG TRƯỜNG HỢP CẨN THIẾT

Theo đánh giá của các nhà khoa học, có cơ sở để tin rằng tuổi thọ con người vẫn sẽ giữ mức tăng trưởng 2,5 năm/thập kỷ như trong quá khứ. Và như thế, tuổi thọ trung bình của nhân loại sẽ đạt 100 trong vòng 60 năm nữa. Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm cho rằng con người sắp đạt đến ngưỡng tuổi thọ. 

Trong bao năm qua, các dự báo về giới hạn tuổi thọ được đưa ra đều trở thành sai lệch vì bị vượt quá trong một thời gian rất ngắn. Hiện nay, phụ nữ Nhật Bản giữ kỷ lục sống lâu với tuổi thọ trung bình là 85. Nhưng ít ai biết rằng vào năm 1840, chức "quán quân" lại thuộc về phụ nữ Thụy Điển với tuổi thọ bình quân là... 45. Hiện nay, tuổi thọ trung bình toàn thế giới đã tăng gấp đôi so với 200 năm trước.
Hai nhà khoa học J.Oeppen (Đại học Cambridge, Anh) và J.Vaupel (Viện Nghiên cứu Dân số học Max Planck, Đức) đã tiến hành nghiên cứu và đi đến kết luận là tuổi thọ của nhân loại còn lâu mới đạt đến tối đa. Họ lập luận rằng, nếu gần đến mức này, tốc độ tăng sẽ chậm lại, trong khi thực tế không phải như vậy. Tuổi thọ vẫn tiếp tục tăng 2,5 năm/thập kỷ.
Một dự báo năm 1928 khẳng định, tuổi thọ của cả nam lẫn nữ chỉ có thể tăng thêm chút ít rồi dừng hẳn lại ở "mức trần" là 65. Nhưng hiện nay, tuổi thọ trung bình của nam đang là 65 và nữ là 70. Và tuổi thọ cao nhất cũng tăng đều đặn hằng năm trong suốt hơn 160 năm qua.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cho rằng, tuổi thọ có một mức trần. Có điều, chúng ta chưa biết mức trần đó nằm ở đâu. Và có một điều chắc chắn là dù tuổi thọ tăng đến đâu thì con người cũng sẽ không bao giờ đạt đến sự bất tử.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Florida (Mỹ) vừa khám phá ra rằng, hiện tượng tự sát của tế bào chính là thủ phạm khiến tim của sinh vật cao tuổi dễ nhiễm bệnh. Cơ chế tự sát có vai trò quan trọng trong việc sa thải những tế bào "xấu" - như tế bào ung thư chẳng hạn - nhưng theo thời gian, nó cũng góp phần làm suy yếu chức năng tim mạch. 

 Khi tự sát, tế bào ngừng mọi chức năng, co lại và tự tiêu hủy. Rất khó xác định chính xác số lượng tế bào mất đi theo kiểu này. Tuy nhiên, theo ước tính, đàn ông có tuổi khỏe mạnh, không mắc bệnh tim hoặc cao huyết áp bị mất khoảng 30% tế bào tim. Đó là do cơ thể họ giải phóng quá nhiều cytochrome, chất trực tiếp tham gia vào quá trình tự sát của tế bào.
Ở những người trẻ tuổi, quá trình tự sát này được kiểm soát rất chặt chẽ, khiến tim không mất quá nhiều tế bào.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Bát Đoạn Cẩm là bài tập khí công của phái Thiếu Lâm đã có từ hơn 1.000 năm nay ở Trung Quốc; có tác dụng phòng trị bệnh cho cả người già lẫn người trẻ, người ốm lẫn người bình thường. Gần đây, nó đã được phổ biến ở TP HCM và Huế.

Từ bài Bát Đoạn Cẩm nguyên gốc, các “đại sư” khí công của Sở Thể dục thể thao Bắc Kinh nghiên cứu chuyển thể ra bài tập quốc tế đơn giản gồm 8 động tác luyện khí ở gân cân cơ, giúp làm thông các kỳ kinh bát mạch trong cơ thể, gia tăng khí lực, đạt đến sự trường thọ không bệnh tật. Bài tập đã thu hút được hàng triệu người trên khắp thế giới tham gia.

Khác hẳn bài Bát Đoạn Cẩm nguyên gốc, bài Bát Đoạn Cẩm quốc tế dễ tập, có cách thở đơn giản hơn và đi theo trường phái dưỡng sinh trường thọ. Nó không có tác dụng phụ, dễ truyền bá cho đông đảo quần chúng và đạt hiệu quả cao trong việc bảo vệ sức khỏe. Mỗi động tác đều mang những tác dụng thực tiễn.
Động tác 1.
1. Hai tay chống trời điều lý cả vùng Tam tiêu
Tam tiêu gồm Thượng tiêu (não, hệ tuần hoàn, hô hấp), Trung tiêu (hệ tiêu hóa), Hạ tiêu (hệ tiết niệu - sinh dục). Luyện thông kinh Tam tiêu có tác dụng giúp ăn ngon, ngủ yên, trí tuệ minh mẫn, cơ thể cường tráng, mọi suy yếu sinh lý - sinh dục được điều chỉnh; trẻ em mau lớn, phát triển khả năng học toán; trí tuệ thanh thản, không lười biếng, linh động hơn.

- 2 tay đưa lên: hít vào, điều khí đến cả vùng Tam tiêu từ huyệt Bách hội ở đỉnh đầu đi xuống gáy và đi lên sau tai, lên đuôi lông mày 2 bên. Phải nhón chân lên.

- 2 tay đưa xuống về 2 bên đùi: thở ra, cong 2 ngón chân cái lên để kích thích các huyệt thuộc kinh Đại tràng và nhóm kinh dương trước cẳng chân.

 
Động tác 2.
2. Tay trái, phải dương ra như bắn cung
Tác dụng: Làm mạnh 2 cánh tay, cứng cáp đôi chân; thông kinh Đại tràng gồm 20 huyệt từ đầu ngón tay trỏ tới cánh mũi; trị táo bón, tê bại, phong thấp nhức gân, khớp xương; liệt nhẹ nửa người.

- Tay đưa ra bắn cung: hít vào.
- Tay đưa chéo về lại trước ngực: thở ra.

 
Động tác 3.
3. Điều hòa tỳ vị, một tay đẩy lên
Tác dụng: Dùng luyện khí, lưu thông 2 kinh tỳ, vị (dạ dày và lá lách). Giúp ăn ngon, ngủ được, mau đói, đại tiểu tiện thông suốt.

- Một tay đưa lên đầu, một tay ấn xuống bên hông trái: hít vào.
- 2 tay lật lại đưa về ngang chấn thủy: thở ra.

 
Động tác 4.
4. Liếc nhìn phía sau, xua đi sự hao mòn sức khỏe
Tác dụng: Chủ luyện hệ thần kinh, đưa máu đầy đủ lên não.

- Đầu quay qua một bên và 2 bàn tay đưa ra 2 bên đùi: hít vào.
- Đầu trở về vị trí như cũ và 2 tay đưa lên bụng: thở ra.

 
Động tác 5.
5. Lắc đầu vẫy đuôi, xua hết tính nóng nảy
Tác dụng: Làm tăng lượng máu lưu thông, mất tính nóng nảy vì thiếu máu.
Động tác:
- Đầu nghiêng qua một bên: hít vào.
- Đầu trở về vị trí cũ ở ngay giữa: thở ra.

 
Động tác 6.
6. Phía sau giẫm gót bảy lần, trăm bệnh tiêu tan
Tác dụng: Kích thích quan trọng 2 kinh nhâm và đốc (đường đi giữa trước và sau thân), tăng sinh lực, hồi sức, giúp thân thể cường tráng.
- Nhón chân lên, 2 tay ấn xuống: hít vào.
- Hạ chân xuống, 2 tay đưa lên: thở ra. Động tác này làm tối thiểu 30 lần.
- Nhón chân lên cao và chạm mạnh gót chân xuống đất: thở bình thường. Tối thiểu làm 100 lần.

 
Động tác 7.
7. Nắm chặt tay, trợn mắt tăng khí lực
Tác dụng: Làm tăng khí lực do tay chân và thân eo liên lạc với nhau.

- Tay thủ ở hông: hít vào.
- Tay đấm ra: thở ra; rồi ở tư thế này hít vào và tay kia đấm ra và thở ra.

 
Động tác 8.
8. Hai tay phang xuống chân, bền thận và giữ eo
Tác dụng: Lưu thông mạch nhâm - đốc và thận kinh; giúp gân cốt mềm mại, dẻo dai, tủy sống được săn sóc, tinh thần vui vẻ sảng khoái; bổ thận tráng dương.
- Thân đưa từ dưới lên và ưỡn ra sau: hít vào.
- Thân cúi xuống, vuốt 2 chân: thở ra.

Bài khí công Bát Đoạn Cẩm rất hiệu quả với bệnh đốt sống cổ dạng động mạch hoặc u tủy, bệnh mạch vành, đau lưng - đùi, rối loạn chức năng dạ dày - ruột, chán ăn...
Lưu ý:
- Bài tập trên không thích hợp cho người đang bệnh nặng.
- Vận dụng bài tập trên cần thuộc lòng, đồng thời phải kiên trì, nếu không sẽ không đạt hiệu quả như ý.

- Nếu dùng trong điều trị bệnh, có thể kết hợp với các liệu pháp khác.

Động kinh ảnh hưởng khoảng 1% dân số những người lớn tuổi. Như thế, số người bệnh sẽ ngày càng tăng khi tuổi thọ con người tăng cao và dân số ngày một già đi


Nhiều người lớn tuổi bị động kinh (ĐK) cũng có những bệnh lý khác đi kèm như bệnh thoái hóa về thần kinh, bệnh mạch máu não hay ung thư. Các thuốc chống ĐK ảnh hưởng đến chức năng nhận thức cũng như gây ra các biến chứng thường gặp ở người lớn tuổi. Các cơn ĐK gây ra chấn thương cơ thể, làm mất sự tự tin và làm giảm sự độc lập của bệnh nhân, do vậy người lớn tuổi thường phải được nhập viện hay săn sóc ở những trung tâm đặc biệt. Tỉ lệ tử vong ở người lớn tuổi bị ĐK cũng cao. Để điều trị tối ưu ĐK ở người lớn tuổi, cần phải xác định nguyên nhân, chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả và điều trị nâng đỡ.
Bệnh mạch máu não, nguyên nhân hàng đầu
Đa số cơn ĐK mới xảy ra ở người lớn tuổi là cơn ĐK cục bộ, có thể có hay không có toàn thể hóa thứ phát. Khoảng 10%-13% bệnh nhân khởi bệnh bằng chứng ĐK co cứng-co giật toàn thể. Cơn ĐK ở người lớn tuổi thường là cơn triệu chứng cấp xảy ra trong một tuần sau một nguyên nhân cấp hay các triệu chứng xa, mặc dù một số trường hợp có thể có những nguyên nhân gây ra 2 trường hợp trên. Bệnh mạch máu não chiếm khoảng 44% các trường hợp và là nguyên nhân hàng đầu gây ĐK ở người lớn tuổi. Những nguyên nhân tiếp theo là sa sút trí tuệ (9%-17%), u não (8%-45%), chấn thương đầu (2%-21%) và rượu hay thuốc lá (10%).
Chẩn đoán
Chẩn đoán ĐK có thể gặp khó khăn, vì thế một số bệnh nhân bị ĐK nhiều năm mà không được chẩn đoán chính xác.
Điều trị
Thuốc chống ĐK vẫn là phương thức điều trị chính. Trên 70% người lớn tuổi không còn cơn ĐK khi được dùng thuốc chống ĐK.
Đặc điểm dược lý học của thuốc chống ĐK ở người lớn tuổi khác biệt hẳn so với thuốc chống ĐK ở người trẻ tuổi; trong khi đó bệnh nhân lớn tuổi thường uống nhiều thứ thuốc khác, vì thế tương tác thuốc dễ xảy ra. Thuốc chống ĐK lý tưởng ở người lớn tuổi là thuốc được hấp thu đầy đủ và sự đào thải không bị ảnh hưởng bởi suy thận. Thuốc cũng không gây ra ức chế men gan, tương tác với các thuốc khác, dẫn đến tác dụng phụ về thần kinh và các tác dụng phụ khác như loãng xương. Hình thức của viên thuốc nên dễ nhìn, dễ nhận biết và dễ nuốt. Carbamazepine (Tegretol) và phenytoin (Dihydan) khó dùng ở người lớn tuổi do tương tác với thuốc khác. Phenytoin thường được dùng chỉ một lần trong ngày nhưng khi dùng ở liều cao sẽ gây độc thần kinh. Sodium valproate (Depakine) là thuốc có phổ tác dụng rộng đối với các loại cơn ĐK và thường dung nạp tốt ở người lớn tuổi. Phenobarbital (Gardenal) thường gây buồn ngủ và ảnh hưởng đến hành vi ở nhóm bệnh nhân thuộc lứa tuổi cao. Các thuốc chống ĐK mới như lamotrigine, gabapentin (Neurontine) và oxcarbazepine (Trileptal) thường ít được dùng ở người lớn tuổi mặc dù chúng ít tác dụng phụ và ít tương tác thuốc hơn các thuốc cũ. Do vậy việc chọn lựa thuốc chống ĐK nên tùy thuộc vào loại cơn ĐK, các thuốc khác được dùng cùng lúc và bệnh lý đi kèm khác.
Mục đích của việc săn sóc ĐK ở người lớn tuổi là kiểm soát hoàn toàn các cơn ĐK nhưng tránh được tối đa tác dụng phụ do thuốc gây ra đồng thời mang lại chất lượng sống tốt hơn cho bệnh nhân.

Vào giữa và cuối mùa xuân, nhiều khi trời đang nắng ấm bỗng gió mùa đông bắc tràn về, gây mưa rét. Do sức khỏe yếu, khả năng thích nghi kém nên người già rất dễ viêm đường hô hấp, dẫn đến viêm phổi. Điều nguy hiểm ở đây không phải là nhiệt độ quá thấp, mà là sự thay đổi đột ngột của thời tiết.

Trong các bệnh thường gặp ở người cao tuổi trong mùa xuân, cần đặc biệt lưu ý đề phòng các bệnh phổi. Biến đổi của phổi theo tuổi tác rất rõ. Tuổi càng cao, cơ quan này càng có sự lão hóa rõ rệt. Vách phế nang, mao mạch thường bị teo, mô tạo keo dần dần thay thế cho những mao mạch đã bị thưa đi, khiến cho không khí qua lại không được dễ dàng như lúc tuổi còn trẻ. Mặc khác, các triệu chứng bệnh ở người cao tuổi lúc đầu thường nghèo nàn, rất dễ bị bỏ qua, đến khi bệnh rõ thì đã muộn, khó chữa.
Bệnh phổi ở người cao tuổi dễ diễn tiến nặng hơn so với người trẻ. Có khi chứng viêm mũi họng nhẹ cũng nặng lên thành viêm phế quản; mà viêm phế quản người cao tuổi hay kéo dài, dễ tái phát và tiến triển thành mạn tính. Một số người cao tuổi vốn đang khoẻ mạnh nhưng qua một đợt nhiễm lạnh đã bị viêm phổi; bệnh phát triển rất nhanh, gây suy hô hấp với các biểu hiện khó thở, thở nhanh và nông, mạch nhanh...
Để phòng ngừa, người cao tuổi nên tập thở bụng: nhúc nhích hai vai, thở nhẹ nhàng không phì phào, chậm rãi. Thót bụng thở ra hết sức, khi bụng thót hết thì ngừng thở, cho bụng phình lên một cách tự nhiên nhẹ nhàng để thở vào; khi bụng phình lên hết, ngừng một lát rồi lại thở ra. Làm 4-5 phút như vậy rồi nghỉ. Ngày tập 5-7 lần hoặc nhiều hơn càng tốt. Khi ngồi, nằm hay đứng đều tập thở được. Khi đã tập thở quen rồi thì có thể tranh thủ tập thở ở mọi nơi, mọi lúc như khi ngồi chờ tàu xe, ngồi nghe nói chuyện, xem tivi...
Ngoài ra, người cao tuổi không nên làm việc gì quá sức; tránh để cơ thể nhiễm lạnh, không bất chợt ra nơi lộng gió, nhất là khi người đang ra nhiều mồ hôi. Cẩn thận khi phải ra vào những nơi có máy điều hòa nhiệt độ để không bị nóng lạnh đột ngột. Những hôm lạnh ẩm, gió nhiều, nên hạn chế tối đa việc đi ra ngoài. Cần sống trong bầu không khí trong lành ít khói, bụi... Nếu bị viêm đường hô hấp trên, phải đi bệnh viện khám và dùng kháng sinh đủ liều lượng để điều trị cho khỏi hẳn bệnh.

Mỗi độ xuân về, một số em thiếu niên thấy mắt ngứa, đỏ, chảy nước mắt và hay tái phát. Khi lộn mi, thấy ở mi mắt có những hạt lớn nằm sát nhau giống như lát sỏi. Ðây là những triệu chứng cần cảnh giác vì có thể các em đã mắc phải một chứng bệnh có tên khá lạ: Viêm kết mạc mùa xuân.

+Viêm kết mạc mùa xuân là một bệnh do dị ứng ở mắt, thường thấy ở trẻ em từ 5-20 tuổi, tần suất cao nhất là 13 tuổi, xảy ra ở những vùng có 4 mùa rõ rệt, khô nóng. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân nên được gọi là viêm kết mạc mùa xuân. Tuy nhiên hiện nay do vấn đề ô nhiễm không khí rất phổ biến nên cũng có thể gặp quanh năm. Bệnh bớt về mùa lạnh.
Ðặc điểm của viêm kết mạc mùa xuân
Bệnh nhân bị đỏ cả hai mắt, ngứa, cảm giác như bị phỏng, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, có ghèn rây, lúc nào cũng muốn lấy tay dụi mắt nhưng càng dụi càng ngứa. Bệnh hay tái phát theo mùa.
Khám nghiệm: Khi lộn mi thấy ở mi mắt có những nốt (nhú gai) màu đỏ lớn, đường kính trên 1mm nằm sát nhau, có hình dáng như được lát một lớp sỏi, nhú gai có mạch máu ở đỉnh, hoặc thấy những nốt có màu trắng như sữa ở gần tròng đen.
Nguyên nhân gây dị ứng? Ðây là một bệnh do dị ứng, tức do tạng của người bệnh, chẳng hạn như thường bị phong ngứa. Khi một vật lạ (hạt phấn hoa, bụi...) rơi vào mắt, kết hợp với một kháng thể làm vỡ một loại tế bào ở mắt được gọi là dưỡng bào, dưỡng bào này vỡ sẽ làm thoát ra các hoạt chất gây ngứa, đỏ, phù... Vào mùa xuân hoa nở nhiều, các loại phấn hoa bay tỏa vào không khí, nếu vào mắt người có tạng dị ứng sẽ gây nên những triệu chứng trên.
Cách chữa trị?
Bệnh nhân được nhỏ các loại thuốc chống dị ứng. Thuốc chống dị ứng có rất nhiều loại nên chỉ bác sĩ mới có thể quyết định nên dùng thuốc nào. Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Hơn nữa đây là một bệnh hay tái phát nên cần cẩn thận, vì nếu cứ sử dụng mãi một loại thuốc sẽ gây những tác dụng phụ ở mắt. Ðã có rất nhiều người bị ngứa mắt tự ra tiệm thuốc tây mua Cortisone nhỏ, thấy hết ngứa nên từ đó thường xuyên dùng Cortisone dẫn đến bị cườm nước - bệnh này còn nặng hơn ngứa mắt. Hoặc có người dùng mãi một toa thuốc nên bị nhiễm độc ở mắt.
Trong lúc chờ đợi khám bác sĩ có thể:
- Ðắp gạc lạnh hay nước đá cho bớt ngứa.
- Nhỏ các thuốc rửa mắt hay nước mắt nhân tạo cho trôi hết các phấn hoa hay bụi bặm bám vào mắt.
- Tránh dụi mắt, nhất là ở trẻ em.
- Vì là bệnh tái phát thường xuyên nên bệnh nhân cần tuân thủ lời dặn của bác sĩ. Cũng không nên lấy toa thuốc cũ dùng lại vì mỗi thời điểm có thể phải dùng loại thuốc khác nhau.
- Nếu thường xuyên dùng thuốc vẫn không hết, đôi khi phải thay đổi môi trường, chẳng hạn như chuyển đến vùng lạnh sống một thời gian.
- Trường hợp bệnh nặng đã có biến chứng vào giác mạc, cần phải điều trị lâu dài và đúng cách dưới sự chăm sóc của các bác sĩ chuyên khoa.

Trong chúng ta, nhiều người thường nhầm lẫn vấn đề phòng bệnh với chữa bệnh. Phòng bệnh là các phương pháp được áp dụng cho những người khỏe mạnh hoặc có yếu tố nguy cơ của một bệnh nào đó. Còn chữa bệnh là những phương pháp được áp dụng để chữa khỏi các căn bệnh đã thể hiện ra. Ví dụ, người ta phòng ngừa loãng xương bằng cách uống sữa từ khi còn trẻ, chứ không phải đợi đến lúc bị loãng xương rồi mới tìm sữa để uống.

Ði bộ được xem là một phương pháp phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Nó tiện lợi vì bất cứ ai cũng có thể luyện tập được, không cần trang bị dụng cụ gì ngoài một đôi giày; không cần thể lực cường tráng cũng như năng khiếu. Vì thế được những người cao tuổi rất ưa chuộng.

NGƯỜI CAO TUỔI CÓ NÊN TẬP ÐI BỘ?

Giống như mọi môn thể thao khác, đi bộ giúp tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Nó thích hợp cho những bệnh nhân tim mạch vì không cần tốn nhiều sức lực, động tác đơn giản, có thể tự điều chỉnh cường độ và thời gian luyện tập. Tuy nhiên không phải ai tập đi bộ cũng cho kết quả tốt. Có nhiều người càng đi lại càng bị đau nhiều hơn, đặc biệt là những bệnh nhân đau khớp.
Với những khớp gối bình thường, khi duỗi gối, lực ép lên khớp chè đùi gần bằng 0. Khi đi bộ, lực ép này bằng 1/2 trọng lượng cơ thể, tức vào khoảng 25-40kg. Người càng béo thì tải trọng này càng lớn và lực càng tăng khi thời gian đi càng dài. Ðiều này giải thích nguyên nhân vì sao một số người cảm thấy đau gối sau khi tập đi bộ. Cơn đau này không giảm đi mà ngày một tăng dần, tỷ lệ thuận với thời gian đi bộ, trọng lượng cơ thể và mặt dốc, độ gập ghềnh của đường tập.
Trên thực tế, nhiều bệnh nhân đau khớp dù thấy đau cũng cố gắng tiếp tục tập đi bộ, vì vậy có thể dẫn đến hậu quả là khớp ngày càng tổn thương nhiều hơn. Mà đau chính là dấu hiệu báo động của cơ thể, khi đó cần phải giúp cơ quan bị bệnh được nghỉ ngơi để hồi phục trở lại. Khớp xương cũng vậy, khi đau nhức là do bị viêm khớp, sự nghỉ ngơi lúc này rất cần thiết và cũng là phương pháp giúp giảm đau. Nếu cứ đi bộ trong khi viêm khớp gối, chắc chắn bệnh nhân sẽ bị đau hơn.
Ða số người cao tuổi ai cũng bị thoái hóa khớp gối (osteoarthritis). Thực chất của bệnh là tình trạng lão hóa của khớp gối qua nhiều năm; Các lớp sụn khớp bị hư hỏng, trục xương cong vào trong. Càng đi nhiều sẽ càng làm khớp hư thêm. Lý do là khi đi đứng, sẽ tạo một sức đè ép lên các mặt sụn khớp đã bị thoái hóa. Lớp sụn đó có tác dụng hấp thu lực đè ép. Nay tác dụng này giảm đi hoặc không còn nên sẽ tạo những sang chấn trên hai đầu xương, gây ra hiện tượng viêm khớp. Từ đó dẫn đến cơn đau khớp khi bệnh nhân đứng hay đi. Vì thế với những bệnh nhân này, người ta khuyến cáo phải hạn chế đi lại; Khi đi bộ, cần phải có nạng hay gậy nâng đỡ để giúp giảm tải trọng lên bề mặt khớp hư.
Với những lý do trên, các chuyên gia về xương khớp đã đánh giá đi bộ không phải là môn thể thao tốt đối với người cao tuổi.

TẬP LUYỆN MÔN GÌ THÍCH HỢP CHO NGƯỜI CAO TUỔI?

Những người cao tuổi không có triệu chứng đau gối vẫn có thể tập đi bộ, nhưng cần lưu ý đến cường độ và thời gian tập luyện sao cho phù hợp với cơ thể. Khi có triệu chứng đau nhức, cần giảm bớt mức độ tập luyện hay nghỉ ngơi một thời gian rồi mới tập lại. Có nhiều người tập đi bộ từ thời còn trẻ không có vấn đề gì, nhưng một ngày nào đó khi tuổi đã cao bỗng thấy có vấn đề ở đầu gối. Ðó là vì họ không biết giảm bớt sự vận động cho phù hợp với tuổi tác. Chỉ cần đi ít lại, chậm hơn một chút sẽ giúp cơ thể dễ chịu ngay.
Người cao tuổi rất cần có sự vận động nhưng phải phù hợp với thể trạng. Nguyên tắc vận động ở người cao tuổi là nhẹ nhàng, chậm và liên tục. Tại sao phải như vậy? Vì cơ thể người cao tuổi như một cái máy cũ kỹ, quá trình lão hóa khiến các hệ thống cơ bắp, dây chằng không còn tính đàn hồi tốt nữa. Những cử động vừa nhanh, vừa mạnh có thể làm tổn thương các cơ bắp và dây chằng vốn dĩ đã chai cứng, tính giãn nở đã yếu nhiều. Sự cử động chậm và nhẹ sẽ giúp co giãn từ từ các dây chằng và cơ bắp. Nếu luyện tập liên tục và đều đặn, nó sẽ giúp cải thiện rất nhiều sự dẻo dai của các khớp xương. Với người cao tuổi, đi xe đạp tốt hơn đi bộ. Tốt nhất là tập võ dưỡng sinh. Ðặc điểm của các động tác trong bài quyền được thực hiện thật chậm rãi, phong thái nhẹ nhàng, đặt ý nghĩ và hơi thở đi theo động tác của tay chân. Nguyên lý này hoàn toàn phù hợp với thể chất của người cao tuổi. Thực tế cho thấy nhiều người tập đã cảm thấy cơ thể ngày càng khỏe hơn, ít bệnh tật đau ốm vặt. Tuy nhiên cần lưu ý môn võ dưỡng sinh hiện nay đã bị người ta cải biến rất nhiều. Mỗi người thêm thắt một chút khiến nó không còn giữ được cái thần khí nguyên thủy của người xưa. Ví dụ người ta cho các cụ ông, cụ bà tập những bài tập khởi động của các môn thể dục thể thao phương Tây như xoay gối, cúi gập người, bẻ lưng, thậm chí chạy nhảy tại chỗ. Những động tác này rất hại cho các khớp, đặc biệt là cột sống thắt lưng và khớp gối. Chúng chỉ thích hợp cho thanh niên luyện tập các môn thể thao mạnh mẽ, chứ không phù hợp với cơ thể người cao tuổi.

BỆNH NHÂN TIM MẠCH CÓ NÊN TẬP ÐI BỘ?

Với những bệnh nhân trẻ tuổi, hệ thống khớp xương gân cơ còn tốt, thì đi bộ là môn vận động hàng đầu được chọn lựa để luyện tập, có thể giúp nâng cao sức chịu đựng và sức làm việc của tim. Tuy nhiên, sự vận động quá mức cũng sẽ làm xấu thêm tình trạng suy tim và bệnh thiếu máu cơ tim. Ðã có những bệnh nhân tử vong trong khi đi bộ do cố gắng tập quá sức. Thời gian đi bộ và quãng đường đi cần được theo dõi và giám sát bởi bác sĩ.
Với người cao tuổi bị bệnh tim mạch thì sao? Sở dĩ bác sĩ khuyên những bệnh nhân tim mạch nên đi bộ vì đây là một môn vận động nhẹ nhàng, không tốn nhiều sức. Ai tập cũng được vì nó đơn giản, không cần sân tập và trang thiết bị kèm theo. Nhưng một khi đã có vấn đề xương khớp, tại sao bạn không chọn lựa những môn khác tốt hơn như tập võ dưỡng sinh, thể dục tay không, đạp xe đạp, bơi lội? Khi tập đi bộ, cần cân nhắc cường độ theo tuổi tác; Thời gian tập và quãng đường đi cần phải giảm dần theo thời gian (là điều căn bản khác với khi còn trẻ). Ði tập vào buổi sáng cần giữ ấm và mang giày thích hợp với bàn chân. Khi có triệu chứng đau gối hay đau lưng thì lập tức phải nghỉ ngơi hoặc giảm ngay thời gian đi.
 

Người cao tuổi không nên kê gối cao khi nằm ngủ. Để hạn chế thiếu máu não đột ngột, đang nằm, nếu muốn ngồi dậy thì không nên nhấc đầu một cách đột ngột mà phải xoay đầu và nghiêng người lại, chống tay dậy từ từ. Việc nằm đọc sách lâu cũng có hại cho mắt, gây mỏi người, mỏi tay, máu dồn xuống thấp và gây bệnh trĩ.

 Buổi sáng ngủ dậy, nếu hay bị đau lưng, đau khớp gối, khớp các ngón tay, hãy vận động một lúc sẽ thấy dễ chịu. Tuy nhiên, cần đi khám để phòng thoái hóa khớp. Các thuốc chống đau (Cortancyl, Indometacin, Alaxan...) thường có hại cho dạ dày; vì vậy, luyện tập là biện pháp điều trị chủ yếu. Hãy khởi động các khớp trước khi bỏ chân xuống giường, vuốt dọc cơ thắt lưng làm dịu cơn đau cột sống, bóp chặt đầu gối rồi mới cử động. Tốt nhất là dùng bao gối (của các cầu thủ đá bóng) khi đi lại, lên xuống thang gác nếu có hiện tượng thoái hóa đầu gối.
Khi ngủ dậy, nếu thấy cảm giác khác thường như tê nửa người, bại một bên chân hoặc tay, cần nằm nghỉ và mời bác sĩ đến khám, không cạo gió, không cố tập thể dục. Đây có thể là một tai biến mạch máu não, nhất là khi có tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.
Nằm, ngồi và một số hoạt động khác
Nên tránh chỗ ngồi có gió lùa. Nếu ngồi quạt thì không để gió thổi thẳng vào gáy và đỉnh đầu. Nên dùng quạt quay để thay đổi hướng gió, không để gió luôn thổi thẳng vào người. Khi mở cửa, chú ý đứng nép mình sau cánh cửa để gió không lùa thẳng vào mặt, dễ bị cảm. Khi ngồi ở nơi có gió mạnh (ban công, bên hồ) nên ngồi ở vị trí để gió thổi vào lưng.
Khi lên xuống cầu thang, nếu tức ngực, khó thở khác với bình thường, nên đi khám bệnh. Nếu nhói đau bên ngực trái và khó thở, cần chú ý đến chứng thiếu máu cơ tim.
Để giữ cột sống, không nên với tay lấy một vật gì quá tầm, không bê vật quá nặng. Khi mang xách, trọng lượng nên cân đối cả hai bên. Không cúi lom khom khi quét nhà, quét sân, kể cả lúc bê một vật gì đó. Giữ cho lưng thẳng trong mọi trường hợp có thể. Nên kê một gối êm, cao vừa phải vào đoạn cột sống thắt lưng khi nằm để chữa tật còng lưng.
Đối với người cao tuổi, hoạt động thể lực và trí lực rất cần thiết nhưng phải thực hiện đều đặn và thường xuyên, tránh tình trạng bữa đực, bữa cái. Não có hoạt động thì lượng máu lên nuôi não cũng nhiều hơn; nếu không, não dễ bị teo nhỏ. Tay chân không hoạt động, cơ bắp sẽ teo nhẽo, khớp đau, dẫn đến suy nhược, lười biếng, rút ngắn tuổi thọ.
Đại, tiểu tiện
Bình thường, mỗi ngày người cao tuổi có thể đại tiện 3 lần sau các bữa ăn hoặc 2-3 ngày mới đi một lần. Tổng lượng phân không quá 200 g nếu ăn ít chất xơ. Gọi là đi lỏng nếu đi đại tiện nhiều lần trong ngày và phân lỏng (thường là do rối loạn chức năng đại tràng).
Gọi là táo bón nếu 4 ngày mới đi đại tiện một lần, phân khô từng lọn, có nhiều chất nhầy trắng bao bọc bên ngoài. Nếu 1-3 ngày đại tiện một lần, phân khô thì không thể gọi là táo bón. Phân khô là do ăn ít rau, uống ít nước nhưng chưa bù đủ nước cho lượng mồ hôi đã mất sau khi hoạt động thể lực. Người đi phân lỏng phải kiêng cá, mỡ, sữa, trứng trong nhiều năm; cần khám kỹ vì có thể đó là dấu hiệu viêm đại tràng mạn tính do tự ý dùng thuốc kháng sinh.
Cần tạo thói quen đi đại tiện hằng ngày, hoặc 1-2 ngày/lần. Nếu phân có máu tươi, cần khám bệnh sớm, yêu cầu thăm khám hậu môn để phát hiện ung thư phần thấp của trực tràng. Không rặn mạnh khi đại tiện để phòng xuất huyết ở một mạch máu đã bị tổn thương trước đó.
Có thể tạo phản xạ dễ đi đại tiện bằng cách tập thể dục, xoa day thành bụng từ phải sang trái, uống trước một cốc nước, một ly sữa hoặc một ly cà phê. Việc thay đổi tư thế ngồi lúc đi đại tiện (ngồi xổm, ngồi nghiêng sang bên trái, ngồi ngả ra đằng sau) cũng có thể làm cho cơ thít hậu môn dễ mở hơn. Đi đại tiện xong, không đứng dậy ngay một cách đột ngột mà nên cúi mình ra trước, từ từ ngồi dậy. Nếu thấy chóng mặt, nên vịn vào một chỗ nào đó, chờ hết chóng mặt hãy đứng lên. Đây là tình trạng thiếu máu lên não, thường chỉ thoáng qua; nếu kéo dài thì nằm nghỉ, tốt nhất là có bác sĩ theo dõi.
Người cao tuổi bình thường đi tiểu dễ dàng, không buốt, không rắt, không sót lại; tia nước tiểu thẳng, không bị ngắt quãng. Tình trạng hay tiểu tiện đêm có thể do mất ngủ, hoặc có một vài bệnh như viêm đường tiết niệu, bệnh tuyến tiền liệt...
Khi đi tiểu cũng phải vịn vào một chỗ nào đó. Nếu chóng mặt thì cúi đầu ra phía trước, chờ hết hãy đi vào. Khi đi tiểu, một lượng nhiệt sẽ bị thải ra theo nước tiểu, áp suất trong ổ bụng bị hạ thấp do mất sự chèn ép của bàng quang, lượng máu lên não thiếu. Điều này cũng gây chóng mặt và dễ bị ngã. Kinh nghiệm cho thấy, tai biến mạch máu não ở người cao tuổi dễ gặp về ban đêm, lúc dậy đi tiểu. Do đó, nếu đang đắp chăn ấm, trước khi ngồi dậy, phải mở dần chăn ra để nhiệt độ cơ thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài, đồng thời phải nằm nghiêng một lúc rồi mới từ từ ngồi dậy. Nếu đi tiểu rắt, buốt hay có máu, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa. Về ban đêm, tốt nhất là có bô tiểu để cạnh giường, tiện tầm tay với, không phải đi ra khỏi phòng.

Một nhóm thuốc của người đã được chứng minh là có thể kéo dài vòng đời của những con sâu. Vậy tại sao chúng ta lại không dùng chính nó để ngăn tuổi già đừng đến sớm?

 

Các nhà nghiên cứu từ lâu đã say mê tìm kiếm các loại thuốc hoặc thần dược có khả năng xua đuổi tuổi già. Nhưng thành công đến với họ rất ít, một phần là do phải tốn quá nhiều thời gian và công sức mới có thể biết được việc uống thuốc có làm tăng tuổi thọ hay không.
Để khắc phục vấn đề này, Kerry Kornfeld thuộc Đại học Washington ở St Louis, Missouri (Mỹ) và cộng sự đã thử nghiệm thuốc trên một loài sâu nhỏ, vòng đời ngắn, có tên gọi là Caenorhabditis elegans. Trước đó, người ta cũng biết rằng việc biến đổi một số gene nhất định có thể kéo dài đời sống của chúng.
Nhóm nghiên cứu chia những con sâu thành nhiều nhóm và bổ sung vào thức ăn của chúng 19 toa thuốc khác nhau, từ steroid đến các thuốc lợi tiểu và các loại thuốc chống kích thích.
Hầu hết các thuốc không có tác dụng, thậm chí còn giết chết sâu nếu ở nồng độ cao. Nhưng một loại thuốc chống co giật, dùng để chống lại các cơn động kinh, và hai loại thuốc khác có thành phần tương tự, lại kéo dài tuổi thọ của chúng đến 50%. Các dấu hiệu của tuổi già cũng đến muộn hơn ở những con vật này.
Không có bằng chứng nào cho thấy các loại thuốc trên sẽ kéo dài sự sống của con người, song Kornfeld cho biết chúng có thể, bởi các gene và phân tử kiểm soát quá trình lão hóa ở sâu cũng tồn tại trên các loài thú.  
"Có khả năng đây sẽ là một bước ngoặt thực sự", David Sinclair, chuyên gia nghiên cứu về lão hóa tại trường Y Harvard, Boston, đồng ý.
Thuốc chống co giật dường như tác động đến sâu mà không cần sự giúp đỡ của các gene có ảnh hưởng đến tuổi thọ, bởi sâu sống dài hơn ngay cả khi các gene này bị phá hủy. Nếu đúng như vậy, nghiên cứu này sẽ rất quan trọng vì nó mở ra một cách thức mới trong việc kiểm soát tuổi già mà không cần đụng đến các gene.
Trước mắt, Kornfeld và cộng sự dự kiến sẽ thử nghiệm những thuốc này trên bướm và chuột, đồng thời mở rộng nghiên cứu sang các loại hóa chất khác.

Ở người già, trầm cảm thường biểu hiện bằng sự lo lắng thái quá về sức khỏe. Nó có thể diễn tiến thành bệnh Alzheimer và các hình thức khác của chứng mất trí. Bệnh thường khó chẩn đoán và điều trị vì bệnh nhân không thừa nhận là mình bị trầm cảm.

 

Trầm cảm biểu hiện bằng sự buồn phiền, chán nản và mất niềm tin kéo dài. Những triệu chứng này thường đi kèm theo sự suy giảm nghị lực, mất tập trung, mất ngủ, chán ăn và đi đến gầy yếu.

Triệu chứng phổ biến: Chán nản hoặc dễ cáu, cảm thấy bản thân sống không có ý nghĩa, không tham gia hoặc không mặn mà với những hoạt động hằng ngày, dễ tức giận, dễ bị kích động. Bệnh nhân thay đổi khẩu vị, thường ăn không ngon miệng, trọng lượng cơ thể thay đổi (sút hoặc tăng cân), khó ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, tỉnh giấc sớm, thèm ngủ ngày... Một số biểu hiện khác là mệt mỏi, mất tập trung, giảm trí nhớ, tư duy khác thường, có ý nghĩ phạm lỗi và ý định tự vẫn, thậm chí có kế hoạch hoặc đã thử tự vẫn.
Nếu những triệu chứng trên xuất hiện liên tục hơn 2 tuần nghĩa là người cao tuổi đã mắc chứng trầm cảm.

Những biểu hiện trầm cảm ở người cao tuổi tương đối phức tạp, thường thấy nhất là mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ đi kèm với quá trình lão hóa. Ngoài ra, họ còn có các biểu hiện khác như xa lánh vợ/chồng, bạn thân, đau ốm liên miên, không hoạt bát, hay thất vọng, giảm trí nhớ, khó thích nghi với những thay đổi như việc chuyển chỗ ở hoặc những thay đổi trong nội bộ gia đình. Trầm cảm ở người cao tuổi còn biểu hiện bởi sự rối loạn chức năng não đi kèm với quá trình lão hóa mà người ta thường gọi là bệnh Alzheimer.
Đôi khi chứng trầm cảm có thể được làm dịu đi bằng những can thiệp mang tính cộng đồng. Người cao tuổi cần được giúp đỡ để thoát khỏi tình trạng bị cách ly hoặc cô đơn. Để làm được điều này, nên tổ chức các cuộc dã ngoại, hướng người cao tuổi tự rèn luyện sức khỏe hoặc thường xuyên đưa họ đi thăm hỏi bạn bè, người thân. Nếu có thể, nên tạo hoàn cảnh tiếp tục hoạt động nghề nghiệp cho họ, hoặc tổ chức học thêm để bổ sung kiến thức, tăng khả năng giúp đỡ con cháu.
Điều trị bằng thuốc chống suy nhược cũng góp phần mang lại hiệu quả; cần lưu ý đến tác dụng phụ và nên dùng với liều lượng thấp. Các loại thuốc an thần cũng giúp người già giảm nguy cơ bị kích động. Nếu chúng không mang lại hiệu quả thì liệu pháp sốc điện có thể được áp dụng.
Design by Hao Tran -