Hiển thị các bài đăng có nhãn Triệu chứng phát hiện bệnh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Triệu chứng phát hiện bệnh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Nhờ những tiến bộ trong Y học tuổi thọ con người ngày càng cao, dân số người cao tuổi ngày càng nhiều. Ngày nay trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi người ta không những lưu ý đến tuổi thọ mà còn phải quan tâm đến chất lượng cuộc sống. Một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi là sự suy giảm trí nhớ trong quá trình lão hóa.

 

            Quá trình phát triển của hệ thần kinh từ khi phôi thai đến năm 25 tuổi thì hoàn chỉnh. Trong quá trình phát triển cho đến cuối đời hằng ngày có 3.000 tế bào thần kinh bị hủy đi. Ông bà ta có câu" 49 chưa qua 53 đã tới", vào lứa tuổi chuyển tiếp đã bắt đầu xuất hiện những biểu hiện bệnh của các cơ quan chức năng, trong đó chức năng chung của tế bào thần kinh bị suy giảm, chuyển hóa cơ bản giảm. Do đó thúc đẩy việc lão hóa các tế bào thần kinh dẫn tới rối loạn các phản xạ, nhất là các phản xạ có điều kiện qua các hoạt động tâm lý ví dụ chậm chạp, trí nhớ suy giảm... Trong các tế bào não có loại tế bào thần kinh có tên là Purkinje là cấu trúc cơ bản của tiểu não bị thoái triển theo thời gian, đến tuổi già sẽ xuất hiện run, động tác kém chính xác thường xuất hiện cùng lúc với sự suy giảm trí nhớ. Thường gặp ở những người trên 70 tuổi.
            Tại vỏ não thay đổi trong quá trình lão hóa trước hết những biểu hiện của quá trình thoái hóa ở vỏ não, teo vỏ não ở các vùng khác nhau với những mức độ khác nhau.
            Mạch máu não cũng có nhiều thay đổi và xơ mỡ động mạch gây ra những biểu hiện thiếu máu đến nuôi não cũng góp phần làm tiến triển nhanh hơn sự suy giảm trí nhớ. Lưu lượng máu qua não bình thường khoảng 750ml - 1.000ml trong một phút tức là 14% - 20% lưu lượng của tim. Tức là khoảng 50 - 52ml/ 100g não/ phút. Khi dưới 30ml/ phút sẽ bị thiếu máu não cục bộ.
            Suy giảm trí nhớ là tiến triển tự nhiên trong quá trình lão hóa vừa do tình trạng lão hóa ở tế bào não, thoái hóa não teo não, vừa do tình trạng thiếu máu đến nuôi não tức là tình trạng giảm tưới máu não.
Giảm tưới máu não lâu dài có các biểu hiện :
            ? Giảm sút quá trình hưng phấn ức chế dẫn đến thay đổi tính tình trở nên khó tính, người thận trọng trở nên do dự, dễ kích động, cáu gắt, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ...
            ? Giảm khả năng tư duy, tập trung tư tưởng, chậm hiểu, hay quên, quên ngược chiều tức là quên những chuyện mới xảy ra nhưng lại nhớ những chuyện thời xa xưa.
            ? Rối loạn tâm thần
            ? Nhức đầu, chóng mặt sau khi suy nghĩ nhiều
            ? Run nguyên phát, chứng Parkinson.
PHÒNG NGỪA TÌNH TRẠNG SUY GIẢM TRÍ NHỚ :
® Phát hiện và điều trị sớm các chứng bệnh: xơ mỡ động mạch, cao huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ trong máu... đây là các bệnh góp phần thúc đẩy tình trạng thiếu máu não cục bộ.
® Lao động trí não thường xuyên: Lao động trí óc dưới những hình thức học tập như học ngoại ngữ hay nghiên cứu về ngôn ngữ, lịch sử, cây kiểng non bộ... là những hình thức rất tốt giúp não được hoạt động thường xuyên giảm được quá trình suy giảm trí nhớ.
® Rèn luyện thân thể
            - Rèn luyện thân thể thật sự quan trọng cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cho thấy thể dục thể thao làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch như: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh khớp, loãng xương...
            Với hệ tim: Chống được quá trình xơ vữa động mạch, xơ cứng động mạch, giúp tim hoạt động tốt hơn.
            Ở hệ hô hấp: Giúp thông khí ở phổi tốt hơn, giảm ứ đọng đàm nhớt ở phổi.
            Ở hệ xương khớp: Giảm được quá trình hủy xương, tăng được quá trình tạo xương nên giảm phần nào tiến trình loãng xương, giảm được thoái hóa khớp.
            Ở hệ tiêu hóa: Giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
            Ở hệ thần kinh: Giúp chống stress, tăng oxy lên não, giảm được quá trình lão hóa não.
            - Đối với sức khỏe người cao tuổi khi tập thể dục, chơi thể thao cần lưu ý khi nhịp tim tăng trên 110 lần/ phút nên ngừng lại nghỉ ngơi.
            - Các loại hình tập là chạy bộ, bơi lội, đi xe đạp, đi bộ, chạy tại chỗ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền, thái cực kiếm, Yoga...
            - Tập mỗi lần tối thiểu 39 - 45 phút, 3 - 6 lần mỗi tuần thì mới có tác dụng tốt cho sức khỏe.
            - Khi cần dùng thêm thuốc nên xin ý kiến của bác sĩ. Hiện nay có một số loại thuốc có thể giúp cải thiện được tình trạng suy giảm trí nhớ như: Tanakan, Giloba, Duxin...

Ngủ là trạng thái đặc biệt của cơ thể. Trong trạng thái này cơ thể tạm thời gián đoạn tất cả các liên lạc với môi trường xung quanh. Các cơ quan trong cơ thể đều giảm hoạt động hay ở trạng thái nghỉ ngơi. 

 

Giấc ngủ chính là quá trình ức chế lan tỏa có tác dụng bảo vệ vỏ não giúp cho cơ thể phục hồi sức lực, tăng cường thu nạp các chất dinh dưỡng vào cơ thể, khôi phục sức khỏe bị hao tổn trong lúc thức vận động làm việc. Người bệnh và người mệt nhọc rất cần giấc ngủ yên tĩnh để phục hồi sức lực.
Giấc ngủ thực sự trải qua 2 trạng thái: trạng thái giấc ngủ chậm kéo dài khoảng 90 phút, tế bào não và cơ thể được nghỉ ngơi tuyệt đối trong trạng thái này. Tiếp theo giấc ngủ chậm là trạng thái giấc ngủ nhanh kéo dài trong 30 phút. Trong giấc ngủ nhanh cơ thể xuất hiện giấc mơ, mộng du, nói mớ, cử động tay chân... 2 trạng thái này tạo thành chu kỳ kéo dài 120 phút hay 1 giờ 30 phút mỗi khi ngủ trung bình chúng ta trải qua 4 trạng thái tức là giấc ngủ kéo dài khoảng 8 giờ.
Ở bệnh nhân rối loạn giấc ngủ kéo dài quá trình khôi phục sức khỏe không được đầy đủ làm cho người bệnh thường xuyên thấy mệt nhọc, yếu đuối, và những triệu chứng khác như bần thần, chóng mặt, hay quên, buồn bã, bi quan, chán ăn... Rối loạn giấc ngủ kéo dài cơ thể gây ra suy nhược, suy nhược thần kinh.
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi thường gặp 2 dạng:
Mất ngủ.
Đảo lộn giấc ngủ.
Mất ngủ ở người cao tuổi
Người cao tuổi bị mất ngủ hay than phiền giấc ngủ trong đêm ngắn dưới 4 giờ, thời gian ngủ không đủ, khó đi vào giấc ngủ chậm nên ngủ rất khuya hay đi vào giấc ngủ dễ nhưng thức giấc rất sớm sau đó trằn trọc suốt đêm đến sáng. Ban ngày người bệnh than phiền mệt mỏi, lừ đừ không muốn làm bất cứ việc gì.
Nguyên nhân gây mất ngủ có thể là:
Môi trường xung quanh không yên tĩnh.
Dùng các chất gây hưng phấn trước khi ngủ như: trà, cà phê, cola... hay một số loại thuốc như Amphetamin, Methylphenidate...
Một số người có thói quen uống ít rượu trước khi ngủ tự nhiên ngưng đột ngột cũng có thể gây mất ngủ hay những trường hợp dùng thuốc an thần lâu ngày khi ngưng thuốc đột ngột cũng gây mất ngủ.
Do tình trạng đau mãn tính ở khớp hay cột sống, dị ứng về đêm, khó thở khi ngủ, chứng co giật chân khi ngủ, rối loạn nhịp tim dạng ngoại tâm thu, suy tim, trào ngược thực quản, tiểu đêm nhiều lần, bệnh nội tiết như hội chứng cushing, cường tuyến giáp trạng...
Do tác dụng phụ của thuốc trị chứng bệnh khác như thuốc trị cao huyết áp nhóm tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, nhóm ức chế thụ thể bêta tan trong mỡ hay các thuốc trị trầm cảm...
Ở người trung niên và cao tuổi trầm cảm có thể là nguyên nhân gây mất ngủ đặc biệt là lúc gần sáng. Tình trạng lo âu mãn tính kéo dài ngoài việc bị mất ngủ còn có thể bị những cơn ác mộng xảy ra trong giấc ngủ nhanh.
Tình trạng không vận động thể lực, không tập thể dục hay chơi thể thao gặp ở những trường hợp nhàn rỗi, người lao động trí óc nhiều không chú ý đến rèn luyện thân thể.
Điều trị
- Tập thể dục chơi thể thao vào buổi sáng. Cân bằng giữa lao động trí óc, lao động tay chân, thư giãn giải trí.
- Tạo môi trường tuyệt đối yên tĩnh không có ánh sáng khi ngủ.
- Dùng những yếu tố vật lý có thể gây ngủ như tiếng động đều đều, tiếng mưa rơi, tiếng lá xào xạc, tiếng hát ru...
- Chủ động thư giãn, không suy nghĩ miên man, tập trung vào nhịp thở, đếm số 1, 2, 3 để tự gây ức chế vỏ não dễ đi vào giấc ngủ.
- Điều trị các bệnh khác như đau nhức, dị ứng, bệnh tim mạch...
- Tạo giấc ngủ bằng thuốc an thần: tùy theo kiểu mất ngủ như khó đi vào giấc ngủ hay thức giấc sớm, có ác mộng hay mộng du hay không thầy thuốc sẽ chọn những loại thuốc thích hợp, không nên tự dùng thuốc ngủ có thể bị nghiện thậm chí là ngộ độc thuốc ngủ.
Đảo lộn giấc ngủ
Là hiện tượng không ngủ được vào ban đêm mà ngủ vào ban ngày. Đảo lộn giấc ngủ khác với mất ngủ là người bệnh mất ngủ không ngủ được vào ban đêm và cả ban ngày còn đảo lộn giấc ngủ người bệnh ngủ vào ban ngày và ban đêm rất tỉnh táo, có thể làm việc bình thường, trong khi mọi người đang ngủ nếu cố gắng ngủ sẽ thấy trằn trọc bứt rứt, đương nhiên là không ngủ được càng cố gắng càng khó chịu bứt rứt.
Tình trạng đảo lộn giấc ngủ hay gặp ở người già do rối loạn chức năng hoạt động tại não trong quá trình lão hóa hay xảy ra sau tai biến mạch máu não hoặc một cơn bệnh nặng...
Điều trị
Đưa giấc ngủ trở về đêm như bình thường bằng cách:
Không cho người bệnh ngủ vào ban ngày.
Nếu ban đêm không ngủ được có thể dùng thêm ít thuốc an thần sau đó giảm liều an thần trong vài ngày đến vài tuần đến khi giấc ngủ trở về bình thường thì ngưng thuốc an thần.

Hạ huyết áp khi đứng (HHAKĐ) ở người cao tuổi là một bệnh thường gặp và nặng vì dễ làm bệnh nhân ngã với những hậu quả khôn lường. Những tác nhân thuận lợi gây bệnh là hệ thống tĩnh mạch suy yếu, mất nước và tác dụng phụ của thuốc. Phòng ngừa HHAKĐ ở người cao tuổi là mối quan tâm hàng đầu của cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc.

 

1. Nhận biết HHAKĐ bằng cách nào?
Chỉ cần đo HA là có thể phát hiện được bệnh: Để bệnh nhân nằm nghỉ khoảng 20 phút rồi đo HA ở tư thế nằm. Sau đó cho bệnh nhân đứng dậy. Sau khi đứng từ 1 đến 10 phút sẽ đo HA ở tư thế này. Nếu thấy HA tâm thu tụt xuống >= 20mmHg so với HA khi nằm là có HHAKĐ.
Nên kiểm tra HA vào những thời điểm HA thường thấp nhất: ban đêm, buổi sáng khi ngủ dậy, sau khi ăn.
2. Những biện pháp phòng ngừa HHAKĐ là gì?
Soát xét lại các thuốc đang dùng
Nếu các thuốc đang dùng có nguy cơ gây hạ huyết áp (chống trầm cảm 3 vòng, an thần kinh, lợi tiểu, chẹn bêta v.v...) thì phải xem lại các chỉ định dùng thuốc, cân nhắc dùng hay ngưng.
Báo cho bệnh nhân biết những tình huống nguy hiểm. Đấy là:
- Những "giờ nguy hiểm": Ban đêm, sáng sớm khi ngủ dậy, sau khi ăn, sau khi uống một số thuốc giãn mạch như thuốc ức chế calcium, những nitrát ở dạng bào chế thường dùng (không phải loại giải phóng chậm) v.v...
- Những hoàn cảnh nguy kịch: Mất nước do nhiều nguyên nhân như sốt cao, đi tiêu lỏng, nôn, chán ăn v.v...
- Phải chú ý đến những người có nguy cơ chảy máu tiêu hóa ẩn hoặc bán cấp, những người có tiền sử viêm thực quản, loét dạ dầy, hành - tá tràng, hoặc đang dùng thuốc chống đông hay kháng viêm không stéroid.
Băng ép các chi dưới
Đây là biện pháp chủ yếu, rất có hiệu quả để điều trị suy tĩnh mạch nếu được thực hiện đúng kỹ thuật. Cần dùng loại băng thun chứ không phải băng chống giãn tĩnh mạch. Muốn có kết quả tốt phải băng theo chiều dọc và mang băng cả ngày lẫn đêm.
Chế độ ăn
Không phải kiêng ăn mặn. Tránh ăn uống thịnh soạn, không uống nhiều rượu; tốt nhất là ăn nhiều bữa nhỏ và mỗi khi ăn xong không đứng dậy nhanh. 30 phút trước khi ăn nên uống caféine 250mg tức là 2 - 3 tách cà phê, như vậy sẽ có tác dụng tốt. Hoặc là uống 2 - 3 tách cà phê lúc ăn sáng cũng được.
Tư thế
Tránh đứng lâu mà nên kết hợp giậm chân hoặc đi lại tại chỗ để làm tăng tuần hoàn trở về của máu tĩnh mạch. Khi đang nằm, nếu nhổm đứng dậy, nên thực hiện từng bước một: đầu tiên là ngồi dậy trên giường, rồi buông chân xuống đất, sau đó mới từ từ đứng dậy. Nếu thấy xuất hiện triệu chứng gì lạ nên nằm xuống ngay hoặc ngồi xuống và gác chân lên cao.
Ngủ để đầu cao
Nên kê đầu giường cao từ 10 - 15cm làm cho tư thế nằm ngủ nửa đứng. Tư thế này giữ cho việc kích thích AND và hệ thống rénine-angiotensine được hằng định trong đêm; nó cũng làm cho thể tích máu toàn phần (volémic) chỉ giảm không đáng kể.
Tránh nằm lâu
Tránh nằm nghỉ lâu trên giường, cần cho ngồi dậy sớm trong ghế bành để sớm quen với tư thế thẳng đứng mà tránh được HHAKĐ và làm cho bàn chân tiếp xúc với mặt đất, rèn luyện cảm thụ bản thể (pro-prióceptivite).
3. Vai trò của thuốc chữa bệnh
Không có thuốc nào có tác dụng hữu hiệu cả. Có thể dùng Fludrocortisone, Dihydroergotamine nhưng kết quả điều trị không rõ ràng.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Viêm ruột thừa là một bệnh khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí cả trẻ 3 – 4 tuổi. Có những trường hợp viêm ruột thừa chưa biến chứng, việc xử trí đơn giản, nhưng cũng có những trường hợp viêm ruột thừa khi nhập viện đã có biến chứng như vỡ, áp-xe ruột thừa, mủ tràn khắp ổ bụng, sau khi mổ, hậu phẫu vẫn còn nhiều phức tạp… Do vậy, việc phát hiện và chẩn đoán sớm viêm ruột thừa để phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm là rất cần thiết nhằm tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.
Viêm ruột thừa là gì?
Ruột thừa là một túi nhỏ nhô ra hình con giun của manh tràng (đoạn đầu của ruột già), dài khoảng 5 – 6cm. Ruột thừa nằm ở phần dưới phải của ổ bụng, có thể thay đổi vị trí. Theo các chuyên gia tiêu hóa, ruột thừa không có chức năng gì nên việc cắt bỏ nó không ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của cơ thể.

  Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Viêm ruột thừa là tình trạng viêm của ruột thừa. Khi ruột thừa bị tắc nghẽn, các vi khuẩn bình thường trú trong lòng ruột thừa bắt đầu xâm lấn vào thành ruột thừa. Cơ thể đáp ứng với hiện tượng xâm lấn này bằng cách tấn công các vi khuẩn. Hiện tượng tấn công các vi khuẩn đó được gọi là viêm.
Nguyên nhân gây viêm ruột thừa
Nguyên nhân gây viêm ruột thừa là do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn. Hiện tượng tắc nghẽn này là do tích tụ nhiều chất dịch nhầy trong lòng ruột thừa hoặc do phân từ manh tràng đi vào ruột thừa. Chất nhầy hay phân trở nên cứng, giống như đá và làm tắc nghẽn lỗ thông. Hiện tượng phân cứng như đá được gọi là “sỏi phân” (phân có kích thước bằng hạt đậu, cứng và bị canxi hóa gây tắc nghẽn lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng). Có thể có hiện tượng mô bạch huyết của ruột thừa bị phù và làm tắc nghẽn ruột thừa gây viêm.

Những triệu chứng của viêm ruột thừa đôi khi rất mơ hồ, nhất là ở trẻ em và người già nên một số người chủ quan đã tự mua thuốc về cho bệnh nhân uống vì tưởng bị rối loạn tiêu hóa… Điều này càng làm lu mờ các triệu chứng của bệnh, gây khó khăn cho quá trình chẩn đoán. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm vì viêm ruột thừa nếu xử lý chậm sẽ bị vỡ, gây viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng và có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, việc phát hiện và xử trí bệnh kịp thời là điều vô cùng quan trọng để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm của viêm ruột thừa có thể xảy ra.
Triệu chứng phát hiện bệnh
Các triệu chứng ban đầu của viêm ruột thừa rất dễ nhầm với nhiễm virut đường ruột. Các triệu chứng bao gồm đầy bụng mơ hồ, khó tiêu và đau bụng ít thường được cảm nhận ở vùng quanh rốn. Khi nhiễm khuẩn nặng hơn, đau trở nên nổi bật hơn ở phần phải của bụng dưới. Bệnh nhân thường có buồn nôn, nôn và chán ăn. Ðau thường liên tục và ngày càng nặng. Bệnh nhân có thể tiêu chảy, sốt và lạnh run kèm theo căng cứng cơ bụng.
Mức độ đau tăng lên khi người bệnh di chuyển, ho, ngáy, hắt hơi và thở sâu. Nếu bụng mềm, phía phải bụng dưới (vị trí ruột thừa) bị đau khi ấn vào, thân nhiệt không cao thì chứng viêm còn nhẹ. Nếu viêm nặng, đã có mủ, hoại tử, hoặc đã thủng thì bệnh nhân đau bụng dữ dội, phạm vi bị đau cũng mở rộng kèm theo sốt cao. Khi ấn bụng thì cơ bụng căng cứng hoặc sờ thấy có cục cứng phía bên phải bụng dưới.
Những triệu chứng này tiến triển từ vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân có thể không có đủ các triệu chứng trên. Vì thế việc chẩn đoán viêm ruột thừa chính xác thường gặp khó khăn. Đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi.
Cần phân biệt viêm ruột thừa với các bệnh cảnh khác có thể giống như viêm dạ dày ruột, sỏi thận, nhiễm khuẩn đường tiểu, u nang buồng trứng và nhiễm khuẩn khung chậu… Nếu viêm ruột thừa không được điều trị, ruột thừa sẽ vỡ hoặc thủng. Ðiều này đưa đến các biến chứng như viêm toàn bộ ổ bụng (viêm phúc mạc), hình thành áp-xe ruột thừa và tắc ruột.
Làm thế nào để phát hiện?
Siêu âm và chụp Doppler cũng là phương tiện phát hiện viêm ruột thừa, nhưng có thể bỏ sót một số trường hợp (khoảng 15%), đặc biệt là ở giai đoạn sớm khi chưa hình thành dịch, siêu âm hố chậu không cho thấy bất thường mặc dù đã có viêm ruột thừa. Tuy nhiên, đây là phương tiện phát hiện cận lâm sàng tốt, không gây hại. Siêu âm có thể thấy được hình ảnh ruột thừa to hơn bình thường, thấy được dịch trong ổ bụng… giúp ích rất nhiều trong việc phân biệt nhiều loại bệnh lý khác nhau có cùng triệu chứng là đau bụng.
Nhưng các biện pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm không phải lúc nào cũng phát hiện tổn thương viêm ruột thừa mà tùy thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người đọc. Do đó, siêu âm nên được xem là một công cụ hỗ trợ trong công tác theo dõi viêm ruột thừa chứ không phải là tiêu chuẩn vàng quyết định viêm ruột thừa.
Chẩn đoán viêm ruột thừa chủ yếu dựa vào lâm sàng (các triệu chứng của bệnh) kết hợp với nhiều lần thăm khám bệnh của bác sĩ và siêu âm hỗ trợ. Ở những nơi có trang bị CTscan hay chụp cắt lớp, đây là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng được ưa dùng. Phim chụp cắt lớp CTscan thực hiện đúng quy cách có độ phát hiện (độ nhạy) hơn 95%.
Coi chừng biến chứng viêm ruột thừa 2
Điều trị thế nào?
Nếu viêm ruột thừa, tốt nhất là phẫu thuật loại bỏ ruột thừa (cắt ruột thừa). Cắt ruột thừa cổ điển được thực hiện với gây mê. Một đường rạch nhỏ ở phần dưới của ổ bụng bên phải và qua đó ruột thừa được loại bỏ. Gần đây, cắt bỏ ruột thừa được thực hiện qua nội soi ổ bụng. Cả hai phương pháp là những thủ thuật tốt và bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp nào phù hợp nhất tùy vào từng đối tượng bệnh nhân.
Nếu ruột thừa viêm không bị vỡ tại thời điểm phẫu thuật, bệnh nhân thường được xuất viện trong vòng 1 – 2 ngày. Nếu ruột thừa bị vỡ, thời gian nằm ở bệnh viện có thể từ 4 – 7 ngày, tùy vào mức độ trầm trọng của bệnh. Kháng sinh đường tĩnh mạch được chỉ định trong khi nằm viện để giúp tránh  nhiễm khuẩn thêm và tạo áp-xe.
Tùy thuộc vào mức độ viêm của ruột thừa mà sau khi mổ xong có thể biến chứng gì khác không. Nếu là viêm ruột thừa cấp (mới chớm viêm trong vòng 6 tiếng), viêm ruột thừa mủ chưa vỡ thì khả năng biến chứng sau mổ là rất thấp. Nhưng đối với các trường hợp viêm phúc mạc ruột thừa thì nguy cơ biến chứng tắc ruột do các dây dính tạo thành sau mổ là rất cao. Nhiều trường hợp tắc ruột phải mổ lại để gỡ các dây dính này.
Design by Hao Tran -