Hiển thị các bài đăng có nhãn sơ cấp cứu chấn thương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn sơ cấp cứu chấn thương. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Thiếu máu là bệnh tương đối thường gặp. Bệnh phát triển tương đối âm thầm, khi trở nặng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Bệnh tiến triển chậm, khi tình trạng thiếu máu quá nặng có thể gây ngất xỉu, té chấn thương đầu rất nguy hiểm. Nếu được phát hiện điều trị sớm có thể tránh được những tình huống nguy hiểm này. Người cao tuổi thường gặp hai dạng thiếu máu:

 

Thiếu máu do thiếu vitamin B12
            Vitamin B12 là chất cần thiết, quan trọng trong hoạt động bình thường của cơ thể. Khi cơ thể thiếu vitamin B12 lâu ngày có thể gây ra các chứng bệnh như: thiếu máu, tổn thương thần kinh, dị cảm, giảm thị lực, mất trí nhớ, chán ăn, viêm lưỡi.
            Thiếu máu do thiếu vitamin B12 có đặc điểm chung của bệnh thiếu máu là tình trạng xanh xao dễ mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, ngất xỉu, giảm khả năng gắng sức... Nhưng dù bị thiếu máu nhưng khi xem dưới kính hiển vi thì lại thấy hồng cầu to hơn bình thường. Nên trong y học gọi đây là bệnh thiếu máu hồng cầu to.
            Tổn thương hệ thần kinh do thiếu vitamin B12 phát triển tương đối chậm, nếu điều trị sớm có khả năng hồi phục tốt, trong các trường hợp điều trị trễ có thể để lại di chứng lâu dài. Bệnh có những biểu hiện như mất cảm giác khu trú một vùng cơ thể bị chi phối bởi dây thần kinh bị tổn thương. Đôi khi xuất hiện những cơn đau dữ dội lan tỏa khắp người. Ngoài ra, người bệnh còn thấy yếu hay liệt tay chân.
            Gần đây, tại hội nghị Lão khoa thế giới 1998 tại Genève Pháp có một công trình nghiên cứu về vấn đề thiếu vitamin B12 ở người cao tuổi cho kết quả là người cao tuổi thiếu vitamin B12 có tần suất bị tai biến mạch máu não và cao huyết áp cao hơn nhóm không bị thiếu vitamin B12.
            Người ta nhận thấy có một số nguyên nhân sau đây gây ra tình trạng thiếu vitamin B12:
            + Chế độ ăn uống không thích hợp cơ thể, gặp ở người ăn chay lâu năm.
            + Cắt dạ dày toàn phần.
            + Thiếu yếu tố cần thiết cho việc hấp thu vitamin B12 bẩm sinh (gọi là yếu tố nội tai)
            + Bệnh lý đường ruột như chứng kém hấp thu .
            + Ở người cao tuổi có khoảng 10 - 30% bị giảm khả năng hấp thu vitamin B12 tự phát.
            Vitamin B12 có trong thức ăn như gan, thịt, có ít trong đậu, vitamin B12 không có trong rau xanh. Khi thức ăn vào trong dạ dày, vitamin B12 gắn kết với một chất được tiết ra từ dạ dày gọi là yếu tố nội tại, sau đó hợp chất này đến ruột non, tại đây vitamin B12 được hấp thu vào máu và được dự trữ ở gan. Lượng vitamin B12 dự trữ ở gan. Lượng vitamin B12 dự trữ ở gan đủ cho cơ thể sử dụng trên 12 năm!
            Như vậy trong các nguyên nhân gây thiếu vitamin B12 nêu trên, ta cần lưu ý đến người cao tuổi có tỉ lệ bị thiếu vitamin B12 khá cao 10 -30%. Bệnh phát triển âm thầm tiềm ẩn vì vitamin B12 dự trữ ở gan đủ dùng trong 2 năm cho nên ở người cao tuổi cần lưu ý để phát hiện sớm bệnh.
            Nhưng ngừa bệnh vẫn hơn là chữa bệnh, do vậy sau tuổi 50 cần lưu ý bổ sung vitamin B12 bằng cách ăn thức ăn có chứa nhiều vitamin B12 như : gan, thịt hoặc uống thêm thuốc bổ có chứa vitamin B12 như: Arphos, Trivitamina B, Vitaminamin B12, Synervit. Không cần dùng quá nhiều vì nhu cầu vitamin B12 của cơ thể thấp, chỉ khoảng 6 microgam mỗi ngày. Cũng không cần dùng liên tục vì vitamin B12 được dự trữ ở gan. Chúng ta có thể dùng một thời gian rồi nghỉ sau đó dừng lại .
Thiếu máu thiếu sắt
            Thiếu máu thiếu sắt do số lượng sắt cung cấp cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể bị thiếu hoặc bị mất do chảy máu rỉ rả ở đường tiêu hóa.
            Thiếu máu thiếu sắt do không cung cấp đủ chất sắt cho cơ thể, thường ở người cao tuổi bị lão suy, dinh dưỡng kém hay do bệnh lý đường ruột kém hấp thu sắt.
            Thiếu máu thiếu sắt do mất máu rỉ rả qua đường tiêu hóa có thể gặp ở đối tượng làm rẫy đi chân đất, dùng phân sống để tưới cây nên dễ bị nhiễm giun móc. Ở người cao tuổi thường bị đau lưng, nhức khớp nên thường xuyên dùng các loại giảm đau, nếu không có sự theo dõi của bác sĩ nên rất dễ bị viêm loét dạ dày. Nhưng ở người cao tuổi tình trạng loét dạ dày có thể ở dạng câm, nghĩa là không thấy đau bụng vùng chấn thủy dù có tình trạng loét dạ dày tá tràng cho đến khi bị biến chứng chảy máu hay thủng dạ dày tá tràng.
            Như vậy để phát hiện sớm thiếu máu thiếu sắt, ta cần lưu ý các triệu chứng sau đây:
            - Da xanh xao, niêm mạc mắt nhợt nhạt.
            - Người thường xuyên mệt mỏi.
            - Trong giai đoạn sớm người bệnh có thể cảm thấy bình thường.
            Thiếu máu thiếu sắt xảy ra khi lượng sắt trong cơ thể thiếu khá nhiều, không đủ cho nhu cầu tạo tế bào máu. Khi số lượng tế bào máu trong cơ thể quá thấp dẫn đến không cung cấp đủ oxy cho cơ thể, đặc biệt là não nên có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy não và gây ra triệu chứng chóng mặt và ngất xỉu.
            Để chẩn đoán sớm tình trạng thiếu máu thiếu sắt, ngoài việc đưa vào các triệu chứng lâm sàng như trên, bác sĩ sẽ cho làm thêm các xét nghiệm xác định số lượng tế bào máu, định lượng hàm lượng sắt trong máu...
            Trong điều trị, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Dinh dưỡng đầy đủ hợp lý là yếu tố quan trọng trong điều trị và ngừa bệnh. Thức ăn có nhiều chất sắt như thịt, cá, trứng, khoai tây, đậu, củ dền. Sắt có trong thực vật khó hấp thu hơn vì không phải là dạng sắt cơ thể thường sử dụng. Việc uống trà và sữa có thể làm giảm hấp thu sắt.
            Việc cung cấp chất sắt là quan trọng ở người già, phụ nữ, trẻ em nhưng cũng không nên cung cấp quá dư thừa sẽ gây ra bệnh dư chất sắt cũng rất nguy hiểm.
            Chúng ta có thể dùng thêm sắt dưới dạng muối Sulphat, gluconate cũng rất tốt. Chỉ cần dùng dưới dạng uống và cũng nên có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
            Điều trị các nguyên nhân gây ra chảy máu ở dạ dày như dùng thuốc trị giun móc, thuốc trị loét dạ dày tá tràng.
            Sau thời gian điều trị vài tuần bác sĩ sẽ cho xét nghiệm đánh giá lại tình trạng thiếu máu. Nhưng để có sức khỏe hồi phục tương đối có thể sẽ mất nhiều tháng, bà con cần kiên nhẫn trong theo dõi và hợp tác

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Chấn thương là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hiện nay. Các tai nạn thương tích mỗi năm cướp đi sinh mạng của 5 triệu người trên thế giới. Việc cấp cứu ban đầu rất quan trọng, trong đó có vai trò của các cộng tác viên và cộng đồng khi xảy ra tai nạn, đặc biệt khi tai nạn xảy ra xa các cơ sở y tế, chưa có nhân viên y tế tiếp cận cứu chữa nạn nhân.


Nguyên tắc chung
Khi hiện trường xảy ra tai nạn, nếu được gọi đến cấp cứu, trước tiên phải kiểm tra hiện trường xung quanh nạn nhân. Các yếu tố nguy hiểm gây tai nạn hoặc có nguy cơ gây tai nạn cần được loại bỏ hoặc phải tránh để có thể vừa cứu được nạn nhân, vừa bảo vệ được bản thân.
Khi cấp cứu nên gọi thêm người đến hỗ trợ vì có các tổn thương không tự bản thân xử trí được nếu chỉ có một mình, ngay cả trường hợp người đến cấp cứu là nhân viên y tế.
Đưa nạn nhân ra chỗ an toàn, thoáng, cao ráo để có thể thực hiện cứu chữa sơ bộ ban đầu có hiệu quả.
Nguyên tắc đưa nạn nhân ra khỏi đống đổ nát hoặc xe đổ … cần có tối thiểu hai người, kéo nạn nhân từ phía sau, luồn tay vào nách nạn nhân để kéo, luôn lưu ý giữ cổ thẳng và bảo vệ cột sống lưng.
Xử trí cấp cứu sơ bộ
Trước hết, giống như các chấn thương khác, chấn thương bụng cần được xử trí cơ bản với các nguyên tắc về cấp cứu ban đầu: ABCDE (theo Hiệp hội Cấp cứu chấn thương Quốc tế – Primary Trauma Care Foundation).
Xử trí ban đầu chỉ thực hiện trong 2 phút, tiến hành xử trí ngay sau khi phát hiện thương tổn và nhắc lại đánh giá bất cứ lúc nào khi bệnh nhân không ổn định. Các bước xử trí ban đầu ABCDE bao gồm:
Airway (A): Đường thở
Trong xử trí đường thở, trước hết cần nhận biết nếu bệnh nhân tỉnh, còn tiếp xúc được hay không? Nếu có tắc nghẽn cần thực hiện ngay lập tức các động tác sau :
+ Nghiêng người ghé sát miệng nạn nhân để nghe xem còn thở không.
+ Mở miệng kiểm tra xem có đờm rãi, dị vật phải móc lấy sạch. Nếu nạn nhân còn khó thở, cần phải kiểm tra xem có phải do lưỡi tụt đè vào, tiến hành kéo lưỡi.
+ Nâng cằm, đẩy hàm giữ cho đường thở được thông thẳng trục.
+ Thông khí đường miệng hoặc đường mũi.
Breathing (B) : Hô hấp
Đánh giá rối loạn hô hấp dựa vào tần số thở, gắng sức hô hấp, xem trên ngực có vết thương không, đặc biệt các trường hợp có thể xử trí được ngay tại chỗ trong khi chờ đợi nhân viên y tế đến, nhất là khi:
+ Nạn nhân có ngừng thở, tím tái. Trường hợp có ngừng thở hoặc đe dọa ngừng thở phải tiến hành ngay hô hấp nhân tạo miệng – miệng hoặc miệng – mũi.
+ Tổn thương ngực hở rộng, đặt ngay miếng gạc lớn hoặc lấy quần áo sạch đặt lên vết thương và băng kín, mục đích cầm máu và hạn chế khí tràn vào khoang ngực càng làm cho nạn nhân khó thở. Tuyệt đối không lấy bỏ dị vật đang cắm trên ngực, nguy cơ sẽ gây chảy máu ồ ạt làm nạn nhân có thể tử vong nhanh chóng do chảy máu từ các mạch lớn.
Circulation (C) : Tuần hoàn
Trong khi đánh giá và xử trí tuần hoàn, luôn kiểm tra tiếp tục đường thở và hô hấp. Đối với tuần hoàn, cần xác định shock (sốc) và kiểm soát chảy máu.
Đánh giá tuần hoàn dựa vào :
+ Mạch ngoại vi ở cổ tay, vùng cổ hay bẹn: khó bắt hoặc không bắt được.
+ Bệnh nhân có dấu hiệu lơ mơ, da nhợt, vã mồ hôi, đó là dấu hiệu shock mất máu.
Chúng ta chỉ có thể kiểm soát chảy máu bên ngoài, còn chảy máu bên trong nhất thiết phải có can thiệp phẫu thuật mới kiểm soát được.
+ Biện pháp cầm máu như băng ép hoặc ép chặt vào chỗ đang chảy máu bằng quần áo hoặc có băng gạc sạch vô khuẩn càng tốt, giữ nguyên cho đến khi nhân viên y tế đến, tuyệt đối không bỏ tay đang giữ ép ra hoặc bỏ gạc đang giữ để thay gạc mới sẽ làm cho máu chảy càng mạnh hơn và khó cầm.
+ Nâng cao chi chảy máu so với mức tim và giữ nguyên, ngoài ra khi nâng cao chi có tác dụng làm cho máu dồn về tim, não.
+ Chỉ đặt garo nếu chi đã cắt cụt và còn đang tiếp tục chảy máu.
+ Trường hợp nạn nhân có ngừng tim, cần tiến hành hồi sức tim phổi bằng ép tim ngoài lồng ngực. Tiến hành 2 người là tốt nhất, vừa hô hấp vừa ép tim ngoài lồng ngực.
Disability (D) : Thần kinh
Cần đánh giá nhanh tổn thương hệ thần kinh qua cách đánh giá nhanh như sau:
+ A – Awake – tỉnh: nạn nhân tỉnh và giao tiếp được bình thường.
+ V – Verbal response: đáp ứng bằng lời khi hỏi.
+ P – Painful response: đáp ứng bằng kích thích đau, chỉ áp dụng khi mà hỏi thì không thấy trả lời.
+ U – Unresponsive: không đáp ứng bằng hỏi hoặc kích thích đau, khi đó nạn nhân đã hôn mê sâu và tiên lượng rất xấu, nên vận chuyển sớm đến cơ sở y tế để được chăm sóc.
Trong các trường hợp tai nạn thương tích, có tới 50% các nạn nhân chết tại chỗ do tổn thương quá nặng, khoảng 30% chết trong vài giờ sau do các biến chứng không được xử trí đúng cách và kịp thời, còn lại 20% chết sau vài ngày vì các nhiễm khuẩn, biến chứng … Các trường hợp tổn thương quá nặng, ngay cả nhân viên y tế có các phương tiện cấp cứu cũng không thể cứu được. Tuy nhiên nếu chúng ta biết các nguyên tắc cấp cứu ban đầu và làm đúng cách, kịp thời sẽ làm ổn định nạn nhân trong khi chờ đợi nhân viên y tế tới ứng cứu, góp phần cứu sống nạn nhân, hạn chế biến chứng. Các bước cấp cứu ABCDE đều quan trọng, phải làm nhanh và đúng thứ tự, trong đó đặc biệt các bước ABC.
Trường hợp chấn thương sọ não kín, nếu nạn nhân không tỉnh hoặc theo các mức độ đánh giá trên, từ mức độ V là có biểu hiện tổn thương. Ngoài ra khi bệnh nhân đang tỉnh sau một lúc mê, hoặc có thay đổi mức độ như trên thường có tiếp tục chảy máu trong hộp sọ.
Nếu trường hợp nạn nhân có tổn thương ở đầu hay rách da, vỡ xương, thậm chí thấy chảy dịch trong (nước não tủy), hoặc phòi tổ chức não chỉ nên dùng gạc sạch hoặc quần áo sạch băng lên trên, tuyệt đối không bôi bất cứ thuốc men gì, không rút các dị vật còn cắm tại đó ra.
Exposure (E): Bộc lộ toàn thân
Một nguyên tắc trong khám và đánh giá sơ bộ tổn thương trong cấp cứu ban đầu là phải cởi bỏ toàn bộ áo quần bệnh nhân để kiểm tra các tổn thương khác để xử trí. Nếu bệnh nhân nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ hoặc thắt lưng, nên lưu ý bất động trong quá trình kiểm tra. Khi bộc lộ lưu ý làm hạ thân nhiệt nhất là mùa đông nên phải làm nhanh và sau đó che phủ ngay cho nạn nhân.
Lưu ý kiểm tra xem có máu chảy ra từ miệng sáo. Ở phụ nữ cần lưu ý xem có thai hay không. Ngoài ra xem nạn nhân có nôn ra máu, đi ngoài ra máu… là có tổn thương đường tiêu hóa. Bệnh nhân cần được bất động trên ván cứng hoặc nền cứng sẽ hạn chế di lệch gây biến chứng nếu có tổn thương cột sống.
Theo BS. Nguyễn Đức Chính – Sức Khoẻ & Đời Sống
Design by Hao Tran -