Hiển thị các bài đăng có nhãn những cơn đau của phụ nữ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn những cơn đau của phụ nữ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

"Ruồi bay" là tiếng dân gian thường dùng, nhưng vì phổ biến nên trở thành một từ chuyên môn. Hiện tượng "ruồi bay" (mouches volantes) để chỉ 1 cảm giác khó chịu, vướng mắt, như có vật gì lơ lửng, di động trước mắt, dù cố dụi mắt, quay mặt để xua đuổi đi, nhưng nó vẫn tái hiện trước tầm nhìn. 

Hiện tượng "ruồi bay" là có thật và cũng hay gặp, nhất là ở người có tuổi nhưng nó không phải là triệu chứng đặc hiệu của một bệnh nào, mà chỉ là một hiện tượng của nhiều tổn hại khác nhau trong mắt.
Cấu trúc của cơ quan thị giác tiếp thu hình vật từ ngoài vào điểm vàng (hoàng điểm) phải đi qua 5 lớp trong suốt, mà từ chuyên môn gọi là "cảnh vực trong suốt" (Milieux transparents) tức là bao gồm lớp giác mạc, thủy dịch, thủy tinh thể, thủy tinh dịch hay pha lê thể và võng mạc. Cả 5 lớp đó đều trong suốt như pha lê. Nếu vì lý do nào đó, xuất hiện 1 vật cản, dù rất nhỏ, ta vẫn cảm nhận thấy ngay trước tầm nhìn, nếu vật đó to ra, nhiều hơn, sẽ gây giảm thị lực, hoặc không nhìn thấy được.
1. Hiện tượng "ruồi bay" là gì? Và có nguy hại hay cấp tính không?
Những vật thể "ruồi" đó có thể là hình chấm, hình vết, riêng lẻ hoặc nối nhau thành từng giải, giống như những cặn rong rêu trong ly nước không trong suốt bình thường. Vì vậy khi liếc mắt hay nhìn thì những vật thể đó di động trước tầm nhìn như đám ruồi bay qua trước mắt.
Hiện tượng này có thể là những nốt, những vệt đục cố định xuất hiện trong thủy tinh thể của bệnh đục thủy tinh thể bắt đầu. Cũng có thể là những nốt vẩn đục trong thủy tinh dịch mà từ chuyên môn gọi là thể chơi vơi (Corps flottants) do các chất Albumin, sợi tơ huyết, chất cholesteron, hoặc hạt sắc tố v.v... của các phản ứng viêm trong nội nhãn của bệnh xuất huyết cũ, bệnh cholesteron trong máu cao, sự thoái hóa sắc tố, hay tổ chức hóa thủy tinh dịch... gây nên.
Như đã nói trên, đây không phải là triệu chứng đặc hiệu của những bệnh nguy hiểm, cấp tính nhưng tất nhiên phải chú ý phát hiện, tìm nguyên nhân để chữa trị kịp thời. Ở người trẻ thì có thể là những bệnh viêm nhiễm ở bán phần sau nhãn cầu, bệnh xuất huyết trong thủy tinh dịch, tổn thương hắc võng mạc hay biến chứng võng mạc trong bệnh cận thị... cần được khám chuyên khoa để được chữa trị đúng phương pháp.
Nhưng ở người có tuổi thì hãy bình tĩnh quan sát, vì có thể là bệnh lý nhưng cũng có thể là hiện tượng sinh lý tuổi già như bắt đầu lão hóa thủy tinh thể, thoái hóa hắc võng mạc tuổi già. Nó xuất hiện từ từ hằng quý, hằng năm theo quá trình phát triển tuổi thọ.
Tuy nhiên những tài liệu gần đây trong y văn thế giới người ta nói nhiều đến bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già (THHĐTG) là bệnh đặc hiệu của người cao tuổi, mà đó là nguyên nhân hàng đầu gây mù ở các nước phát triển Âu Mỹ.
Ở Á châu, mới có tài liệu nói rằng ở Nhật Bản, cách 20 năm nay không có bệnh này, kiểm tra gần đây thấy có sự bùng nổ bệnh võng mạc sắc tố và thoái hóa hoàng điểm tuổi già. Và chỉ trong 6 năm qua, tăng gấp 2 lần.
Và ở Việt Nam, cũng trong 1 cuộc điều tra năm 1980, có nhận xét bệnh THHĐTG ở ta hiếm gặp. Nhưng trong những năm gần đây, qua các phương tiện trang bị kỹ thuật mới và nhất là mạch ký huỳnh quang, chúng ta đã phát hiện 1 số bệnh THHĐ ở các bệnh nhân cao niên.
Bệnh cũng biểu hiện những dấu hiệu sớm là có vật thể vướng che mắt hoặc nhìn hình biến dạng. Cho nên chúng ta cũng cần lưu ý.
2. Bệnh có chữa trị được không?
Phải tìm đúng nguyên nhân gây ra hiện tượng "ruồi bay" hay vướng mắt và chữa đúng bệnh thì hiện tượng đó sẽ giảm hoặc không phát triển.
Nhưng do nhiều nguyên nhân của bệnh khác nhau, nên trị liệu cũng có nhiều phương pháp: phẫu thuật, phục dược hoặc lý liệu pháp, quang đông, laser liệu pháp. Cũng có nguyên nhân chữa được hoàn toàn như bệnh đục thủy tinh thể, với kỹ thuật mới bằng đường rạch nhỏ, đặt kính nội nhãn (như đã nói trong bài trước), như kỹ thuật cắt dịch kính, cùng với thuốc đưa trực tiếp vào nội nhãn, giải quyết những viêm nhiễm ở bán phần sau nhãn cầu, hoặc dùng thuốc và chế độ kiêng mỡ để giảm cholestéron trong máu v.v... nhưng cũng có những bệnh, về cơ chế bệnh sinh phức tạp, thì khả năng điều trị cũng hạn chế, và chỉ đưa lại phần nào kết quả nếu được chữa trị trong giai đoạn đầu.
3. Vậy có cách nào hạn chế hay dự phòng không?
Theo quan điểm hiện nay trong vấn đề chăm sóc sức khỏe con người không phải chỉ có chữa bệnh, mà là khoa học y học dự phòng.
Cho nên có rất nhiều công trình nghiên cứu về dịch tễ học, xã hội học... để tìm ra những yếu tố nguy cơ, yếu tố ảnh hưởng, tác động của môi trường, kiến thức, và điều kiện, tập tục sinh hoạt của cộng đồng, nhằm tìm ra những biện pháp dự phòng tốt nhất, tăng cường sức khỏe con người, nhất là người cao tuổi để chống lại với bệnh tật.
Ví dụ như bệnh đục thủy tinh thể coi như bệnh đặc hiệu của tuổi già, trước nay không ai nói đến phòng tránh. Nhưng những công trình gần đây người ta cho rằng: có 2 yếu tố: 1 phần là hiện tượng lão hóa, do có sự thay đổi cấu tạo thành phần làm mất tính chất trong suốt của thủy tinh thể. Nhưng một phần khác là do những yếu tố bên ngoài tác động: vấn đề rối loạn chuyển hóa các men, vấn đề dinh dưỡng, thiếu các vi chất, thiếu vitamin, vấn đề ảnh hưởng lý hóa: ánh sáng mặt trời, tác động của các tia độc, vấn đề chất độc ngấm dần, tích thiểu nhiều thành đa như thuốc lá, rượu, dùng thuốc tùy tiện lâu ngày v.v... Chính đó là những yếu tố tạo thành bệnh đục thủy tinh thể. Loại trừ được những nguy cơ đó, cũng hạn chế phần nào căn bệnh phát sinh.
Những nghiên cứu khác đối với bệnh THHĐTG, người ta cho là do yếu tố di truyền, sự suy thoái tế bào thần kinh võng mạc người cao tuổi, nhưng vẫn có 1 nguyên nhân rất quan trọng như 1 tác giả đã nói: "yếu tố nguy cơ chắc chắn gắn liền với đời sống nhân dân nước đó, trong đó có hút thuốc lá và thiếu các chất vi lượng và các chất bảo vệ thành mạch...".
Hay cũng trong vấn đề này có bài "Dinh dưỡng chống giảm thị lực tuổi già" 1 tác giả khác đã ghi nhận: Bổ sung các yếu tố thuộc cơ năng dinh dưỡng, dinh dưỡng hợp lý có thể tái tạo được chức năng thị giác trước khi tế bào thần kinh bị hủy hoại do tuổi già.
Như vậy, dù là bệnh đặc hiệu của người cao tuổi, vẫn không phải là bệnh không tránh được, nếu có sự hiểu biết về căn bệnh này và dày công rèn luyện thân thể (thể dục, dưỡng sinh...), loại bỏ những yếu tố nguy cơ (rượu, thuốc lá, dùng thuốc men tùy tiện...), cải thiện môi trường và tập quán sống, dinh dưỡng thích hợp (điều độ, chia đều nhiều bữa trong ngày, thanh đạm) dùng nhiều rau quả tươi, thức ăn giàu sinh tố A, B, C và đủ các chất vi lượng, chỗ ở thông thoáng, thở hít khí trời trong lành, đầu óc thảnh thơi, thanh thản. Nói chung là tạo được một cuộc sống thanh đạm nhưng thoải mái, điều độ, vui tươi là có thể phòng tránh hoặc hạn chế được một số bệnh gây giảm thị lực, dù cho bệnh ấy thuộc nguyên nhân nào.
Đó là yếu tố chủ quan mà ta có thể tác động được để bảo vệ sức khỏe cho mắt mình.

Vitamin và chất khoáng là gì?

Vitamin và chất khoáng là những chất có tỷ lệ thấp trong cơ thể. Nhưng là những chất rất quan trọng trong hoạt động sống còn của cơ thể. Khi thiếu những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh cảnh khác nhau đôi khi cũng nguy hiểm đến tính mạng.

Vitamin có nhiều loại theo các nhóm A, B, C, D, E, U... Người ta phân các vitamin này thành 2 nhóm. Nhóm tan trong nước như vitamin B, C... nhóm tan trong mỡ như A, D, E...
Chất khoáng là những chất như: sắt, kẽm, đồng, vàng, canxi, magne, natri, kali, chlor, phosphat, sulphat... Chất khoáng chiếm khoảng 4% trọng lượng cơ thể, người nặng 50kg thì chất khoáng khoảng 2kg.
Mỗi ngày cơ thể phải cần một lượng tối thiểu về chất khoáng. Các chất này phải được cung cấp qua thức ăn, nước uống hay dưới dạng thuốc khi cần thiết vì cơ thể không tổng hợp được các chất này.
Dùng quá liều sẽ gây hại
Nhiều người trong chúng ta nghĩ dùng vitamin liều cao như là thuốc tăng lực. Nhưng chúng ta quên rằng vitamin cũng là thuốc, là chất hóa học nghĩa là khi dùng quá liều cũng sẽ bị ngộ độc. Chẳng hạn như vitamin A, D là 2 vitamin tan trong mỡ hay bị ngộ độc khi dùng liều cao kéo dài. Vitaminn A được biết là có vai trò quan trọng với thị lực và da, màng tế bào, có thể dùng điều trị các bệnh như vẩy nến, mụn, trứng cá, chứng tóc khô, dễ gãy... Thuốc dùng dễ dàng qua đường uống, và người ta đã quan sát được khi ngộ độc vitamin A có thể gây ra phù não, tổn thương trầm trọng ở gan. Cả 2 biến chứng này đều có thể nguy hiểm tính mạng nên chúng ta phải thận trọng khi dùng vitamin A liều cao kéo dài. Tốt nhất là khi dùng phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Pyridoxine hay còn gọi là vitamin B6 thường dùng để điều trị tình trạng chóng mặt và rối loạn tiền mãn kinh. Khi dùng quá liều kéo dài có thể bị ngộ độc gây tổn hại hệ thần kinh trung ương.
Acid ascortbic hay còn gọi là vitamin C được biết như là thuốc làm tăng sức đề kháng. Khi thiếu vitamin C thì mạch máu dễ vỡ gây xuất huyết dưới da. Ngày xưa, bệnh được mô tả ở những thủy thủ lênh đênh trên biển nhiều tháng liên tục không ăn rau, trái cây tươi. Vitamin C mang nhiều lợi ích khi ta biết cách sử dụng. Vitamin C có nhiều trong cây xanh, rau quả như chanh, cam, quýt, bưởi, bắp cải... Nhu cầu cơ thể về vitaminn C có nhiều hơn các loại vitamin khác rất nhiều. Người lớn cần khoảng 50-100mg, nghĩa là 1mg/kg thể trọng mỗi ngày; đối với trẻ con và phụ nữ có thai cần 100-200mg mỗi ngày. Vitamin C ngoài tác dụng tốt cho tim mạch còn có tác dụng tăng sức đề kháng chống lại bệnh cảm, cúm, điều này đã được biết từ vài chục năm trước đây: với liều dùng khá cao 1g-4g/ngày trong vài ngày người ta có thể rút ngắn được 30% thời gian mắc bệnh cúm. Ngược lại nếu chúng ta không biết cách sử dụng, dùng liều quá cao trên 2g/ngày kéo dài trong nhiều tháng có thể gây hại cho dạ dày vì bản thân vitamin là acid - là chất chua. Tệ hại hơn là liều cao vitamin C làm tăng oxalate canxi trong nước tiểu, những tinh thể này sẽ lắng đọng tại thận tạo thành sạn thận. Chỉ nên dùng khoảng 0,5 - 1g vitamin C mỗi ngày sẽ rất có lợi cho sức khỏe chống được chứng xơ vữa động mạch... khi cần dùng lâu dài cũng nên hỏi qua ý kiến bác sĩ.
Thiếu vitamin và chất khoáng gây ra bệnh gì?
Ngược lại nếu chúng ta không cung cấp đủ vitamin thì sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như: thiếu vitamin A gây bệnh quáng gà, giảm sức đề kháng, thiếu vitamin C gây chứng chảy máu dưới da, thiếu vitamin B1 gây phù, suy tim, thiếu vitamin D gây còi xương, thiếu vitamin B12 gây thiếu máu, viêm dây thần kinh...
Chất khoáng cũng rất quan trọng tham gia vào nhiều phản ứng hóa học quyết định sự sống còn trong cơ thể và là thành phần cấu tạo chủ yếu của một vài cơ quan trong cơ thể như: canxi là thành phần cấu tạo chủ yếu của xương, sắt là thành phần cấu tạo chủ yếu của hemoglobin trong hồng cầu - là chất có chức năng vận chuyển oxygen trong máu.
Thiếu chất khoáng gây nhiều tác hại cho sức khỏe: thiếu canxi gây co giật tay chân, thiếu kali gây vọp bẻ, rối loạn nhịp tim...
Phòng ngừa thiếu vitamin và chất khoáng bằng cách nào?
Để phòng ngừa những tình trạng này chúng ta nên ăn uống thức ăn có chứa đầy đủ chất khoáng và vitamin cần thiết cho cơ thể. Còn trong điều kiện sức khỏe suy giảm, người già, người bệnh nặng kéo dài chúng ta nên dùng thêm thuốc có chứa đầy đủ các thành phần vitamin và chất khoáng cần thiết cho nhu cầu cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện ở những người ở độ tuổi trung bình 48-78 thì sau 4-10 tuần có cải thiện rõ rệt về sức khỏe như: giảm được mệt mỏi, tập trung tư tưởng tốt hơn, ăn ngon miệng hơn, dễ ngủ và thời gian ngủ kéo dài hơn...
Tóm lại: Vitamin và chất khoáng là những chất nền tảng của sự sống, chúng được cung cấp hàng ngày qua thức ăn, nước uống dễ dàng đến độ có lúc chúng ta quên đi sự cần thiết thực sự của nó. Cho đến khi sự thiếu thốn tích lũy lâu dần theo thời gian trở thành bệnh lý tức là lúc sức khoẻ suy giảm nhiều đôi khi đã khá muộn. Do vậy, khi cơ thể về già chúng ta phải thường xuyên lắng nghe nhu cầu của nó và hãy cung cấp kịp thời những gì cơ thể cần.

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Tốc độ hóa già của cơ thể chủ yếu được xác định bởi kiểu gene. Chính vì vậy mà mỗi loài động vật đều có tuổi thọ đặc trưng. Tuy nhiên, lối sống và môi trường sống cũng có thể là yếu tố kìm hãm hay tăng tốc quá trình hóa già của cơ thể.

Lão hóa là một quá trình tất yếu; nhưng nếu trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta duy trì thường xuyên một số nguyên tắc thì có thể làm chậm đáng kể quá trình này.
Kiểm soát stress. Sự không thành đạt trong nghề nghiệp, sự ra đi của người thân, mâu thuẫn trong gia đình hoặc nơi làm việc, vấn đề về con cái... là những yếu tố thường xuyên tồn tại trong cuộc sống và gây nên trạng thái stress (căng thẳng thần kinh, tâm lý). Đây là một tác nhân mạnh mẽ của sự lão hóa. Muốn làm chậm lại quá trình lão hóa sinh học thì phải biết kiểm soát stress, không để cơ thể rơi vào trạng thái stress trong thời gian dài. Những người sống thọ và khỏe mạnh thường có tính cách sống ôn hòa, lạc quan, quan tâm đến mọi người và tương lai.
Dinh dưỡng hợp lý. Mối tương quan giữa cân nặng và tuổi thọ vẫn còn chưa được làm sáng tỏ; nhưng chúng ta đã biết thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư...; đó là những căn bệnh gây tử vong hàng đầu. Chế độ ăn để phòng ngừa các bệnh này đòi hỏi hạn chế chất béo, chất đường và muối ăn; ăn đủ chất đạm, giảm lượng calo trong ngày và cung cấp thỏa đáng các vitamin và muối khoáng. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý làm giảm trung bình 6-10 năm tuổi thọ.

Hạn chế các thói quen có hại. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc uống rượu, bia, hút thuốc, sử dụng các chất ma túy... làm tăng tốc độ già hóa các cơ quan trong cơ thể, mặc dù hậu quả không biểu hiện ngay lập tức và chúng ta ít khi cảm nhận được. Theo tính toán, những người nghiện thuốc lá bị giảm tuổi thọ 8-9 năm; nghiện rượu giảm 10-15 năm.

Rèn luyện thể lực. Trong khoảng giữa 30 và 70 tuổi, cơ thể chúng ta mất khoảng 30 đến 40% khối lượng cơ bắp. Lúc này, hiệu quả cung cấp máu của tim cũng giảm không dưới 30%. Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ làm chậm lại những thay đổi này khoảng 20 năm. Nhiều loại hình tập phù hợp với tuổi trung niên và tuổi già như: đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, đạp xe đạp (tối thiểu 3 buổi trong một tuần, mỗi buổi 30-40 phút)

Hoạt động trí óc. Duy trì hoạt động trí óc là chìa khóa để giảm tốc độ lão hóa. Nếu đã nghỉ hưu bạn nên đọc sách, học, chơi cờ... vào thời gian rỗi để kích thích sự tư duy, phát triển trí tuệ.

Hoạt động xã hội. Những người tính tình cởi mở, có quan hệ xã hội rộng, nhiều bạn bè thường ít bị ốm hơn người sống cô đơn, khép kín. Những ai có nhiều người thân, bạn bè sẽ ít bị tác động bởi stress và có nhiều khả năng chịu đựng với các yếu tố gây stress hơn.

Đến bác sĩ thường xuyên. Nên đi thăm khám bác sĩ ít nhất một lần trong một năm (người già nên thường xuyên hơn). Ngoài khám lâm sàng, nên làm một số xét nghiệm như: điện tim, siêu âm tổng quát, xét nghiệm đường máu, mỡ máu... để có thông tin đầy đủ về tình trạng sức khỏe của mình và áp dụng các biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Chăm sóc da. 70% những nếp nhăn trên da là do tác hại của tia cực tím của ánh nắng mặt trời gây ra; những tác hại của nó sẽ bộc lộ sau 15-20 năm. Các nhà da liễu đã khuyên mọi người hãy hạn chế tối đa tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, dùng các biện pháp che chắn, đội mũ nón.

Dựa trên các giả thiết về tốc độ già hóa của tế bào, các nhà di truyền học cho rằng, con người có thể sống đến 110-120 tuổi. Để sống thọ và sống khỏe mạnh thì ngay từ khi còn trẻ, mỗi người cần xây dựng cho mình một cuộc sống lành mạnh để có sức khỏe thể lực và tâm thần tốt, kìm hãm tốc độ lão hóa của các cơ quan trong cơ thể.
TS Đặng Quốc Bảo, Sức Khỏe & Đời Sống

Người già rất giàu kinh nghiệm sống và là điểm tựa tinh thần cho con cháu, song tiếc thay cơ thể của họ lại chịu sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian. Vì vậy, làm thế nào để sống trường thọ và khỏe mạnh luôn là đề tài nghiên cứu của cộng đồng khoa học.

Tiến trình lão hóa qua từng giai đoạn:
- Độ tuổi 20-30: Đây là khoảng thời gian cơ thể phát triển mạnh mẽ. Sự trao đổi chất và chức năng sinh học của cơ thể hoạt động tối đa. Ở đàn ông, cơ thể sản xuất rất nhiều hoóc môn sinh dục testosteron từ 17 đến 26 tuổi, sau đó có khuynh hướng giảm dần. Từ giữa giai đoạn này, não bắt đầu suy thoái về chất lượng, và co lại dần khoảng 2% mỗi thập kỷ. Qua độ tuổi 25, sức mạnh cơ bắp bắt đầu suy giảm mà con người khó nhận thấy.
- Độ tuổi 30-40: Những dấu hiệu của tuổi già bắt đầu xuất hiện, trước tiên là lớp da bắt đầu mảnh, có vài nếp nhăn. Từ 37 tuổi, khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm. Đối với phái nam, chứng hói đầu phát triển (nếu có di truyền).
- Độ tuổi 40-50: Sự trao đổi chất chậm dần và ở nhiều người cuộc chiến chống béo phì thực sự bắt đầu: vòng eo, bắp đùi có dấu hiệu nở ra. Nếu không tập thể dục, sức chứa của buồng phổi và tim có thể giảm tới 10%.
- Độ tuổi 50-60: Đối với phụ nữ, mật độ oestrogen giảm hẳn và thời kỳ mãn kinh bắt đầu. Ở độ tuổi này, cứ 5 phụ nữ thì có một người bị chứng loãng xương do thiếu canxi. Đối với đàn ông, cơ bắp bắt đầu teo dần, da chùng lại và có khuynh hướng mau mất sức trong lao động.
- Độ tuổi 60-100: Giai đoạn này các cụ hay bị mất ngủ, hệ miễn dịch yếu dần. Sau 65 tuổi, căn bệnh Alzheimer có nhiều có hội phát triển. Da mặt không còn độ đàn hồi, tạo ra chỗ trũng trên khuôn mặt, hốc cổ.
Bí quyết trường thọ và khỏe mạnh
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, sự trường thọ phần lớn phụ thuộc vào yếu tố di truyền. Tuy nhiên, cũng có một số biện pháp giúp sống lâu và khỏe mạnh:
- Tập thể dục: Vận động thường xuyên không chỉ giúp giữ gìn tính linh hoạt, đàn hồi và sự cân bằng của các khớp xương, mà còn giữ cho trí não được minh mẫn và hệ tim mạch khỏe mạch.
- Giảm stress: Ttheo một nghiên cứu trên những phụ nữ 100 tuổi của Trung tâm y khoa Boston (Mỹ), các cụ có cuộc sống tích cực, hoà đồng và thái độ ung dung thoải mái, thì có khuynh hướng ít bị loạn thần kinh chức năng.
- Thời gian mang thai: Một số nghiên cứu mới đây trên Tạp chí Nature cho thấy, phụ nữ mang thai lần đầu trong độ tuổi 30-40 có khuynh hướng sống thọ hơn.
- Giấc ngủ: Một khám phá của Hiệp hội Ung thư Mỹ cho thấy, người ngủ quá nhiều có sức khỏe tệ hơn người ngủ đủ thời gian. Một người trung bình ngủ 7 giờ/ngày có tỷ lệ tử vong thấp nhất, còn 9 giờ/ngày có nguy cơ cao.
Bữa ăn: Chủ yếu ăn nhiều hoa quả, rau xanh ít qua chế biến, ngũ cốc dạng hạt như đậu Hà Lan, củ quả và uống đều đặn sữa chua. Lưu ý dùng dầu ô liu thay cho mỡ động vật, dùng canxi có trong cải bắp, cải bông, cam chanh, uống đủ nước mỗi ngày giúp nước tiểu sạch. Ngoài ra có thể dùng trà xanh, trà đen... giải khát mỗi ngày.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

TS Ngô Văn Toàn, trưởng khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức), cho biết gần đây ông đã phải phẫu thuật điều trị cho một số bệnh nhân là phụ nữ, tất cả đều trên 40 tuổi, đều có tiền sử đi giày cao gót lâu năm.



Hội chứng giày cao gót
“Giày cao gót rất thời trang, nhưng hai biến chứng có thể gặp là vẹo trục ngón một bàn chân gây đau, tạo miếng chai lồi mất thẩm mỹ hoặc cân của gan bàn chân bị căng giãn quá mức cũng gây đau. Bệnh này đã xuất hiện nhiều ở châu Âu, châu Mỹ do phụ nữ nơi đây có thời gian sử dụng giày cao gót kéo dài, nhưng gần đây đã có những bệnh nhân như vậy ở VN” – TS Toàn cho biết.
Theo ông Toàn, khi đi giày mũi nhọn, mũi giày thường có xu thế ôm chân, ngón cái hướng vẹo vào trong. Khi thời gian đi giày mũi nhọn nhiều, kéo dài, giày không phù hợp, chủ nhân các đôi giày cao gót có thể gặp một biến chứng là ngón chân cái bị biến dạng, vẹo tới mức ngón chân cái chồng lên trên ngón chân thứ hai, trong y khoa gọi biểu hiện này là biến dạng diện khớp của bàn ngón. Các biểu hiện kèm theo là dây chằng biến dạng, diện xương biến dạng, gân cơ lệch trục và gây đau cho người bệnh.
“Mất thẩm mỹ là một chuyện, nhưng đau đến mức không đi được giày cao gót, thậm chí không đi bộ được vì chân bị mất cân bằng” – TS Toàn nói. Theo ông Toàn, phần ngón chân bị lệch trục, biến dạng khiến chân mất tư thế vững, bởi khi đứng thì phần trụ chính là phần ngón chân cái, không ai trụ phần ngón chân út. Phần xương bị lệch trục lồi ra sẽ chèn ép vào các dây thần kinh ngay dưới da, ảnh hưởng các tư thế đi chân đất, đi bộ…
“Khi đứng bình thường thì sức nâng của cổ bàn chân chỉ phải chịu một lần trọng lượng cơ thể, nhưng khi đi nhanh thì khớp cổ bàn chân phải chịu trọng lượng gấp 3 lần cơ thể, khi chạy phải chịu gấp 5 lần. Khi đi giày cao gót chị em đã bắt chân luôn chạy bước nhỏ, ở một tư thế và tì đè vào ngón chân cái là chính” – TS Toàn nói.
Có trường hợp phải mổ
Theo TS Toàn, với bệnh lý giày cao gót, các trường hợp diện khớp của ngón cái đã biến dạng nhiều, thậm chí ở mức ngón chân cái chồng lên ngón thứ hai thì phải chỉ định phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ mở phần bị biến dạng, chỉnh lại xương, làm lại dây chằng, một số trường hợp phải sửa lại xương và đóng đinh, bắt vít các phần bị lệch, cân bằng diện khớp như vốn có. Sau mổ chỉnh hình, bệnh nhân sẽ phải tập phục hồi chức năng.
Bên cạnh tình trạng vẹo trục ngón một bàn chân, chị em mê giày cao gót, nhất là các trường hợp đi giày cao gót nhiều năm, có thể gặp tình trạng đau ở gót chân. TS Toàn cho biết tình trạng này thường thấy ở phụ nữ đã đi giày cao gót nhiều năm, lứa tuổi 50 trở lên. Khi thấy bệnh nhân kêu đau ở gót chân và được chụp chiếu chẩn đoán, có trường hợp bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị gai gót chân.
“Trong trường hợp này, có thể bệnh nhân bị căng giãn quá mức ở cân của gan chân, phần cân gan chân được nuôi dưỡng kém. Những trường hợp này phải tập vật lý trị liệu, xoa bóp, có khi phải sử dụng cả thuốc giảm đau” – TS Toàn hướng dẫn.
Phàm là phụ nữ thì ai cũng mê thời trang, hiện nay phần lớn chị em phụ nữ ở thành phố, thị xã, thị tứ đều có giày gót cao. Giày làm phụ nữ đẹp hơn nhiều. Chưa kể phụ nữ VN vốn có chiều cao vừa phải và các chị cũng muốn “ăn gian” thêm một chút cho xinh hơn. Nhưng hướng dẫn của thầy thuốc là không đi giày quá cao, mũi quá nhọn và nếu được nên hạn chế đến mức thấp nhất những lúc phải đi giày cao gót, nếu không muốn gặp loại bệnh lạ lùng là bệnh lý giày cao gót.
TTO
Design by Hao Tran -