Câu
chuyện về một cụ ông 71 tuổi ở Quảng Đông (Trung Quốc) quyết định chọn
nhà tù là nơi ở cuối đời cho mình hiện làm dấy lên những lo ngại về đời
sống của hơn 120 triệu người già Trung Quốc, đặc biệt là hơn 90 triệu
người già hiện sống ở nông thôn nước này - những người thường chưa được
hệ thống an sinh xã hội quan tâm tới.
Điều này càng nóng bỏng hơn khi mỗi năm Trung Quốc lại có thêm 650.000 cụ trên 60 tuổi.
Không có tiền, không có chỗ ở, ông cụ Lý Triệu Khôn, 71
tuổi, đã quyết định đốt một khu rừng ở Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông hôm
9-11 với mong muốn duy nhất là được vào tù. Cảnh sát sau đó phát hiện
chỉ một tuần trước đó ông Lý vừa hết án 5 năm tù vì tội cố ý phóng hỏa.
Hỏi thì cụ Lý trả lời muốn trở lại nhà tù vì ở đó có đồ ăn, chỗ trú
thân, giúp chấm dứt quãng đời dài lang thang của mình.
Không có giấy tờ chứng minh nhân thân, cụ Lý cũng chẳng
biết mình từ đâu tới mà chỉ nhớ mình đã ăn xin từ nhỏ cùng bố mẹ. Cả bố
mẹ đều mất trước khi ông 10 tuổi. Lúc trẻ ông sống vất vưởng qua ngày
bằng việc ăn xin, nhặt rác, làm các công việc chân tay nặng nhọc và cuộc
sống của ông bắt đầu gặp khó khăn vào năm 2001 khi số tiền tiết kiệm
50.000 nhân dân tệ (6.250 USD) của ông cạn kiệt.
Hai lần tự tử tìm đến cái chết nhưng cả hai lần ông Lý
đều được cứu và đưa vào các cơ sở từ thiện. Các cơ sở ở đó chỉ giữ ông
trong một thời gian ngắn và yêu cầu ông về quê quán của mình để nhận sự
giúp đỡ - điều mà cụ Lý không thể làm được vì cụ chẳng biết quê quán
mình ở đâu và dù có biết thì ở đó cũng chẳng ai biết cụ. Các quĩ cứu trợ
không thể giúp ông vì tiền cứu trợ là tiền từ ngân sách, tiền thu thuế
của địa phương và thường chỉ dành cho người cơ nhỡ ở đó.
Các giá trị truyền thống bị xói mòn
Nếu vô gia cư là nguyên nhân gây ra nỗi đau cho cụ Lý
thì vẫn còn hàng ngàn người già khác cũng phải chịu những nỗi đau này dù
có nơi ở. Có thể thấy rất nhiều người lang thang già cả đi ăn xin ở ga
tàu và các địa điểm du lịch ở các thành phố lớn vì không được con cái
săn sóc. Năm ngoái, ở thủ đô Bắc Kinh đã có hơn 2.000 vụ các cụ ở nông
thôn kiện con cháu mình về các vấn đề chăm sóc ra tòa án trung cấp. Tuy
vậy, phần lớn các nông dân thường tránh đưa những đứa con bất hiếu của
mình ra tòa vì sợ mất mặt.
Nông dân Trung Quốc theo truyền thống vẫn dựa vào sự
chăm sóc của con cái khi tuổi già. Tuy nhiên, các tập tục như phải kính
trọng và săn sóc người già hiện đang tan vỡ dần. Khi hàng triệu nông dân
trẻ đi theo làn sóng di cư lớn tới các vùng đô thị hóa ở miền đông
trong thập kỷ trước thì những người già bị bỏ lại. Rất nhiều cụ già được
để lại rất ít tiền nhưng lại phải nuôi thêm cháu của mình nữa.
Ông Trại Vũ Hòa, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh
Hắc Long Giang và là chủ một công ty than tư nhân, từng tự mình bỏ
100.000 nhân dân tệ (12.500 USD) để điều tra về tình hình những người
già ở nông thôn cuối năm ngoái. Kết quả của cuộc điều tra trong hai
tháng với 10.400 nông dân trên 60 tuổi ở 31 tỉnh thành Trung Quốc cho
thấy 45% những người này không sống với con cái, 5% không biết bữa ăn
tới của mình sẽ từ đâu tới, 69% chỉ có một bộ quần áo và 67% trong số họ
không có tiền để mua thuốc. Thu nhập trung bình của những người được
điều tra là 650 nhân dân tệ/năm (82 USD). 85% số người già này vẫn phải
lao động cực nhọc ở ngoài ruộng và 97% vẫn phải làm các công việc nhà.
Ông Trại nói: “Chính tôi cũng đến từ nông thôn và thật
đau lòng khi thấy những nông dân này chịu cảnh nghèo khó và cô đơn sau
hàng thập kỷ lao động vất vả”. Có đến một nửa các nông dân trẻ trong
cuộc thăm dò tỏ ra thờ ơ đối với cha mẹ của mình - ông Trại cho biết.
Mặc dù đề xuất chính quyền địa phương và các tổ chức
phi chính phủ gây thêm quĩ để xây dựng các trung tâm dưỡng lão và tăng
thêm lương hưu cho nông dân, ông Trại vẫn cho rằng chỗ ở tốt nhất cho
các cụ già chính là ở nhà và con cái nên quan tâm, chăm sóc những người
già cả. Ông nói: “Là đất nước đang phát triển nên Trung Quốc hiện vẫn
chưa thể cung cấp lương hưu cho tất cả người nghèo ở nông thôn.
Bên cạnh đó, người Trung Quốc thường tôn trọng đời sống
gia đình, vì vậy người già thường có cảm giác bị bỏ rơi nếu họ phải ra
ngoài sống”. Do đó ông kêu gọi khôi phục các giá trị truyền thống như
lòng hiếu thảo của con cái, sự tôn trọng đối với người già, điều cần
thiết cho việc xây dựng xã hội hòa đồng của người Trung Quốc. Ông nói:
“Thật xấu hổ khi thế hệ trẻ giờ quá mê mẩn chăm sóc con cái mình mà lại
thờ ơ với cha mẹ”.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét