Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Khoảng 15-30% người cao tuổi bị chứng bệnh này. Mặc dù lượng nước tiểu trong bàng quang còn ít nhưng người bệnh vẫn thường xuyên có nhu cầu tiểu tiện, không nín được.

 

Người bị bệnh này thường xuyên có cảm giác muốn đi tiểu, có khi cấp bách phải đi, nếu không sẽ bị ra quần. Bệnh nhân phải đi tiểu trung bình 1-2 giờ một lần, có khi chỉ 15-20 phút một lần. Tổng lượng nước tiểu trong ngày vẫn không tăng nhiều so với lúc khỏe.
Có 4 nguyên nhân cơ bản gây chứng bệnh trên: 
- Cơ bàng quang yếu, không ổn định, mất dần trương lực khiến lượng nước tiểu có thể dự trữ trong đó ngày một ít.
- Đường tháo nước tiểu ra bị tắc, có thể do phì đại tuyến tiền liệt, sỏi hoặc ung thư bàng quang; đôi khi do sa tử cung hoặc bàng quang.
- Bàng quang có rối loạn thần kinh.
- Cơ thắt bàng quang và niệu đạo không đủ lực.
Một số nguyên nhân khác cũng gây ra mót tiểu như: bệnh parkinson, alzheimer, tắc niệu đạo do viêm mạn hay phẫu thuật, tiểu đường, bệnh thần kinh cột sống xương cùng, di chứng của phẫu thuật trước đây ở vùng xương chậu.
Đối với phụ nữ sau mãn kinh, việc nội tiết tố oestrogen bị giảm có ảnh hưởng làm cho niêm mạc niệu đạo bị dày, cứng lên, cản trở lưu thông nước tiểu. Phụ nữ sinh đẻ nhiều cũng bị yếu cơ vùng chậu, gây tiểu không tự chủ.
Để chữa bệnh hiệu quả, ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân còn phải có một lối sống khỏe, lành mạnh như: tránh dùng cà phê, trà, thuốc lá, rượu; không uống nước nhiều vào buổi tối. Nên thường xuyên tập luyện cơ chậu, cơ bụng bằng vận động, xoa bóp mạnh; tập luyện bàng quang bằng phương pháp đi tiểu theo giờ giấc quy định (lúc đầu khó khăn nhưng nếu kiên trì thì khoảng cách giữa 2 lần tiểu sẽ dài dần).
Phương pháp phẫu thuật chỉ được thực hiện khi bị phì đại tuyến tiền liệt, sỏi bàng quang, niệu quản, u bàng quang...

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -