Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Người dân miền Bắc đã, đang và tiếp tục phải sống trong những ngày giá rét của cơn đại hàn 12 năm qua chưa từng có. Trời rét kéo đến, bệnh hô hấp, tiêu chảy ở trẻ em và bệnh tim mạch, thanh quản ở người già rất dễ xảy ra. Để phòng một số bệnh mùa đông ở trẻ nhỏ và người già, các bác sĩ đưa ra một số lời khuyên như sau:


Phòng bệnh ở trẻ em
Với bệnh viêm thanh quản, bệnh nhân khó thở, khi hít vào tạo âm thanh như gà gáy, ho như sủa. Bệnh thường xảy ra vào ban đêm và kéo dài khoảng 2 tiếng. Trước hết có thể tạo ra bầu không khí có hơi nước bằng cách để một ấm nước sôi trên bếp hoặc đưa con vào nhà tắm và mở bên vòi nước nóng chảy ra. Không khí ẩm sẽ làm dịu khí quản, phế quản, khiến bệnh nhi dễ thở hơn. Sau đó có thể cho trẻ nằm đầu và thân được nâng cao bằng cách chèn gối sau lưng hoặc ôm trẻ trong hai tư thế ấy để dễ thở hơn.

Nếu trẻ có tiếng ho từ ngực lên, cố giúp trẻ ho lên hết đờm để thông ngực. Đặt trẻ nằm sấp ngang qua đùi bạn rồi vỗ lưng một cách nhịp nhàng mà không mạnh. Sau đó khuyến khích trẻ khạc ra bất cứ đờm nào mà chúng ho ra. Những ngày trời lạnh thế này, cần hết sức đề phòng tiếng ho từ ngực có thể lan xuống khiến trẻ viêm phế quản.

Nếu trẻ ho khan, cho trẻ uống một đồ uống gì đó nóng ấm lúc đi ngủ để làm dịu họng. Chẳng hạn một muỗng cà phê mật ong hòa vào một tách nước ấm và vắt thêm một vài giọt nước ép chanh. Có thể nâng đầu trẻ bằng một chiếc gối tránh cho đờm chảy xuống họng. Đừng cho trẻ uống thuốc ho trừ khi bác sĩ kê toa.
Ảnh minh họa
Trời rét, trẻ rất dễ bị sốt
Với bệnh viêm phế quản, trẻ có triệu chứng ho khan, rát cổ, tiếng thở hơi rít, sốt nhẹ, sổ mũi. Trước hết, để giúp trẻ bớt thở rít và làm thông phổi trong cơn ho, cho trẻ nằm sấp ngang đùi bạn và vỗ lưng cho cháu. Nếu sốt, cho uống paracetamol với nhiều nước. Cho đến khi bớt bệnh nên để trẻ trong nhà ấm nhưng không được bí hơi. Nếu sau hai ngày, tình hình không khá hơn và trẻ ho ra đờm mầu vàng xanh, cần phải đưa đến bác sĩ.

Tai mũi họng rất dễ mắc khi trời rét đậm... Để phòng bệnh, cần giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
Phòng bệnh ở người già

Những bệnh gặp nhiều nhất mà người già dễ mắc khi trời trở lạnh là các bệnh liên quan đến phổi và tim mạch: viêm phế quản mãn tính, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, hen, dị ứng...

Nguyên nhân chính do nhiều cụ già vẫn giữ thói quen dậy sớm vận động ngoài trời, trong khi thời tiết đã trở giá lạnh, nhiệt độ xuống thấp, khiến cơ thể người già vốn đã suy yếu không kịp thích ứng, tạo điều kiện cho những căn bệnh nguy hiểm có cơ hội phát tác.

Theo khuyến cáo của các bác sỹ, vào lúc sáng sớm, số đo huyết áp của người già thường thay đổi, đặc biệt là khi nhiệt độ xuống thấp. Với thời tiết lạnh như ở miền Bắc hiện nay, những gia đình có người già cần đặc biệt đề phòng bệnh tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa mặt, liệt nửa người, thậm chí tử vong.

Bên cạnh đó, những người già đã có tiền sử bệnh cao huyết áp, cần uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Thói quen tập thể dục vào buổi sáng tuy không nên bỏ nhưng nên lùi lại, đợi khi có ánh sáng mặt trời, làm sương lạnh tan bớt.

Khi đi tập thể dục, người cao tuổi cần mặc ấm, đội mũ đầy đủ để tránh gió. Khi vận động thấy nóng người có thể cởi bớt trang phục chứ không nên mặc phong phanh bởi rất dễ bị hiện tượng “trúng gió”.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -