Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Tuổi càng cao số lượng thuốc dùng để chữa bệnh càng nhiều. Sở dĩ có tình trạng này là vì tuy già không phải là bệnh nhưng già tạo điều kiện cho bệnh phát sinh và phát triển.

 

 Vả lại người đã già thì ít khi chỉ mắc một bệnh mà thường là có nhiều bệnh, trong đó đa số mạn tính. Thuốc có thể do thầy thuốc chỉ định nhưng phần lớn là bệnh nhân tự tìm lấy. Vì tất cả các lý do đó cho nên những tác dụng phụ do thuốc gây ra không phải hiếm, thậm chí có khi nguy hiểm. Cũng do dùng thuốc không đúng như trên nên cũng dễ hiểu là có nhiều bệnh không khỏi. Các tác dụng dược lý của thuốc vào một cơ thể đã già, nghĩa là đã có nhiều sự thay đổi rất cơ bản trong các chức phận của cơ thể, nên sự thận trọng là cần thiết, nếu muốn dùng thuốc được an toàn và có hiệu quả.
Một số nguyên tắc cần tôn trọng khi kê đơn thuốc cho người già
1. Nắm thật đầy đủ bệnh sử, tiền sử của bệnh nhân và của gia đình. Nếu cần thì yêu cầu bệnh nhân mang tất cả các thuốc hiện họ đang dùng, cho thầy thuốc kiểm tra trong buổi khám đầu tiên. Ít nhất cũng phải xem y bạ đầy đủ, các đơn thuốc đã kê cho bệnh nhân trong những tháng gần đây. Hỏi bệnh nhân thật cặn kẽ về tiền sử dị ứng, nếu có, các tác dụng phụ của những thuốc đã dùng. Kiểm tra xem bệnh nhân có dùng thuốc lá, rượu, cà phê, các chất gây nghiện khác không. Không quên hỏi những người nhà, người có trách nhiệm trông coi bệnh nhân, về những nội dung như trên.
2. Không dùng một loại thuốc nào mà xét ra không cần thiết. Cũng cần tránh cho thuốc khi chưa có chẩn đoán về bệnh chính, bệnh phụ, khi các triệu chứng còn chưa rõ ràng hoặc đặc hiệu, khi hãy còn phân vân về lợi ích thực sự của thuốc đối với bệnh hoặc chứng bệnh.
3. Đừng vội cho ngay thuốc tiếp theo một liệu trình điều trị. Sau một đợt điều trị theo phác đồ đã được lựa chọn và vào một lần kiểm tra lại bệnh, cần xem lại toàn bộ các thuốc đã dùng để quyết định phác đồ điều trị thích hợp hơn, loại bỏ những thuốc đã tỏ ra không có hiệu quả, hoặc đã dùng quá lâu, dùng tiếp những thuốc thấy vẫn còn cần thiết, thêm những thuốc mà tình hình mới của bệnh đặt ra. Quan sát kỹ các rối loạn chức năng ở một số bộ phận cơ thể và sử dụng bổ sung một số biện pháp cần thiết. Biện pháp này có thể là thuốc, không dùng thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng hoặc tạm ngừng thuốc.
4. Đối với người già yếu cần bắt đầu sử dụng thuốc cần thiết với liều thấp, sau đó mới tăng lên từ từ. Vừa cho thuốc vừa thăm dò hiệu quả và nếu thấy vẫn còn tiếp tục dùng thuốc thì cho liều thấp nhất còn có hiệu quả. Chỉ tăng liều khi thấy điều đó là cần thiết, có hiệu quả và bệnh nhân chịu đựng được tốt.
5. Đơn thuốc phải thích hợp với từng người bệnh đã già, có tính đến tính chất của bệnh, hiệu quả của phương pháp điều trị, sức chịu đựng của cơ thể, sẽ có hay không các bệnh khác kèm theo bệnh chính, cũng cần điều trị các biến chứng có thể xảy ra do bệnh khác ngoài bệnh chính gây ra. Không nên khước từ tiến hành điều trị một bệnh có thể chữa hiệu quả, nếu cho thêm một thứ thuốc thích hợp.
6. Hết sức động viên sự hợp tác của bệnh nhân trong công tác chữa bệnh. Nói thật rõ ràng và thẳng thắn với người bệnh về những mục đích của điều trị, các phương pháp cụ thể sẽ tiến hành, bằng ngôn ngữ dễ hiểu. Khi yêu cầu những điều gì về phía bệnh nhân, thì nên nêu đủ, cẩn thận, giải thích kỹ nếu bệnh nhân chưa hiểu rõ, nếu cần thì ghi ra giấy để tránh sự hiểu sai ý đôi khi rất có hại, nhất là đối với bệnh nhân hay lú lẫn. Khi cho thuốc cũng cần tính đến tình hình kinh tế của gia đình bệnh nhân; nên cho những thuốc có hiệu quả nhưng giá không quá đắt. Tránh dùng thêm những thuốc không thật cần thiết cho việc điều trị.
7. Cần thận trọng đối với với những thuốc còn quá mới mẻ, mới nhập ngoại, chưa được nhiều người dùng, bản thân thầy thuốc cũng chưa có kinh nghiệm. Đối với người già, sức đã yếu, dùng một thứ thuốc mà mình không biết chắc lắm về tác dụng, là điều nên tránh vì có những hậu quả không lường trước được.
Một số ảnh hưởng qua lại giữa thuốc và bệnh ở người già, cần thiết khi kê đơn
- Khi có bệnh phì đại tuyến tiền liệt nếu dùng các thuốc chống tiết Cholin, chống xung huyết, sẽ làm bàng quang khó thải nước tiểu.
- Khi có các rối loạn dẫn truyền ở tim, nếu dùng Verapamil, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế bêta giao cảm, dễ bị chẹn tim.
- Khi có các bệnh phổi phế quản kinh diễn tắc nghẽn nếu dùng các thuốc ức chế bêta giao cảm sẽ dễ bị co thắt phế quản.
- Khi có suy tim xung huyết nếu dùng V, thuốc ức chế bêta giao cảm sẽ dễ làm suy tim tăng thêm (suy tâm thu).
- Khi sa sút tâm thần nếu dùng các chất chống tiết Cholin, Benzodiazépin, Lévodopaiôpi, thuốc chống trầm cảm Imipramin, sẽ dễ bị mê sảng.
- Khi có bệnh tiểu đường nếu dùng lợi tiểu, corticoid sẽ dễ bị tăng đường huyết thêm.
- Khi có bệnh glôcôm góc đóng, nếu cho thuốc chống tiết Cholin sẽ gây cơn glôcôm cấp tính.
- Khi tăng huyết áp nếu dùng thuốc chống viêm không steroid, có thể làm huyết áp tăng thêm.
- Khi hạ kali máu nếu dùng Digoxin cơ thể gây rối loạn nhịp tim.
- Khi hạ natri máu nếu cho thuốc hạ đường huyết uống, lợi tiểu, Carbamazépin dễ làm hạ natri nặng thêm.
- Khi có loét dạ dày - tá tràng, nếu cho thuốc chống đông, chống viêm không steroid sẽ dễ gây xuất huyết dạ dày ruột.
- Khi có hạ huyết áp tư thế đứng, nếu cho lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm ba vòng, Levodopa, các chất giãn mạch sẽ dễ gây choáng váng, ngã, có thể dẫn đến gãy xương háng nguy hiểm.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -